Âm sắc di sản ấy vọng ra trong mỗi nếp nhà, đọng lại như lớp phù sa tinh thần nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa đất và người nơi đây. 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013-2023), tiếng đờn, điệu lý quê hương trở thành di sản mang tầm thế giới… Nhưng 10 năm, cũng không ít trăn trở trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị trăm năm này. Tiếng đờn trăm năm vọng lại niềm tự hào về một di sản thế giới nhưng cũng canh cánh nỗi niềm mai một trước thị hiếu đương thời, ít nhiều xa rời với giá trị khởi nguồn.
Sau khi được UNESCO ghi danh, 20 bản Tổ được thống nhất lại và sử dụng chung, trong giới nhạc tài tử, người ta thường lấy sự am tường, điêu luyện khi thực hành 20 bản Tổ làm tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn của mỗi nghệ nhân. Tuy nhiên, trên thực tế việc am hiểu tường tận này ngày càng mai một, nguyên nhân đáng kể chính là việc chạy theo để đáp ứng xu hướng xem - nghe - đọc nhanh, người thực hành học một cách chóng vánh và bắt đầu kiếm tiền chứ không học đủ bài bản.
Các chương trình dự liên hoan, hội thi đều khống chế thời lượng nên không thể đờn ca trọn bản. Việc người thầy không thông thạo nguyên lòng bản để dạy học trò; ngược lại học trò cũng không chịu học hết bản mà chỉ học những lớp nhạc yêu thích; các cuộc tranh tài cũng không quy định đờn ca trọn bản… Nguy cơ thất truyền 20 bản Tổ là ngay trước mắt. Để có thể phát triển bền vững về văn hóa - nghệ thuật cần đặc biệt chú trọng đến xu hướng thời đại, nhu cầu thẩm mỹ và sự giới hạn bởi những điều kiện thực tiễn (chính sách, pháp luật, tổ chức xã hội, thiết chế văn hóa…); trong đó yếu tố con người (trao truyền và tiếp nhận) vẫn đóng vai trò quyết định trên lộ trình thực thi Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa cần phải song hành và bổ trợ lẫn nhau, và trước hết phải hiểu và gọi đúng tên di sản. Cũng giống như với đờn ca tài tử, một số di sản khác cũng gặp không ít nhầm lẫn như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và phải nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng hay chỉ có việc hầu đồng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng.
Hay ngày 25-11-2005, UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cần hiểu rõ sự công nhận ở đây là cả một không gian văn hóa rộng lớn về cồng chiêng ở Tây Nguyên, vì thế việc bảo tồn phải giữ lấy không gian sinh hoạt cồng chiêng tốt đẹp như giá trị lúc nguyên sơ của di sản.
Việc đưa một nghệ nhân trong trang phục truyền thống của đồng bào lên sân khấu và thực hành cồng chiêng dưới ánh đèn sáng rực rỡ khác xa hoàn toàn với tiếng cồng chiêng trong không gian ánh lửa bập bùng nơi đại ngàn… Chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ mà lằn ranh giữa cái hay của di sản hay phản cảm của trang phục trong không gian khác biệt trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa bao giờ là dễ dàng, đặt trong bối cảnh xu hướng và thời đại càng không ít khó khăn.
Việc nghiên cứu một lộ trình cụ thể và phù hợp với từng loại hình di sản là việc cần ngay trước mắt, và bảo tồn - phát huy di sản cần sự chung tay liên ngành một cách rõ ràng ở từng phần việc chứ không thể gắn hết vào giáo dục, bởi di sản nào cũng đưa vào giáo dục thì sẽ trở thành quá tải với người tiếp nhận.