Cách đây ít ngày, travel blogger Khoai Lang Thang đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân chia sẻ: “Nếu mình có đi du lịch sông Nho Quế, Hà Giang, hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, mình hạn chế mặc trang phục truyền thống của những nước khác nha. Gần đây Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn người nước ngoài hỏi Khoai là: Nho Quế có phải của Việt Nam không?”. Hàng ngàn bình luận đã thể hiện quan điểm xoay quanh chủ đề này. Thậm chí sau đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên sông Nho Quế (Mèo Vạc, Hà Giang) cùng đồng thuận, ủng hộ việc chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong những bình luận dòng chia sẻ nói trên, rất nhiều người cho hay, không chỉ ở Hà Giang, mà nhiều điểm du lịch khác của Việt Nam cũng có tình trạng khách du lịch Việt mặc các trang phục không phải truyền thống của Việt Nam và gây hiểu lầm. Thậm chí, nhiều người nổi tiếng cũng mắc lỗi này. Cũng liên quan đến câu chuyện về trang phục, bạn Kim Hoa (ngụ đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, khi ghé thăm Dinh Thống nhất, thấy rất nhiều người, gồm các bạn trẻ đều mặc áo dài và chụp hình check-in. Lắng nghe những lời khen ngợi áo dài Việt Nam đẹp từ các du khách nước ngoài, Kim Hoa cảm thấy vô cùng thích thú.
Chọn trang phục dân tộc chính là cách khéo léo để quảng bá, tôn vinh nét văn hóa truyền thống |
Từ hai câu chuyện nói trên, có thể thấy, nếu ghé thăm các địa danh du lịch, việc chọn trang phục dân tộc chính là cách khéo léo để quảng bá, tôn vinh nét văn hóa truyền thống. Những bức hình đó, sau khi được đăng tải lên các mạng xã hội sẽ càng có tính lan tỏa hơn. Nếu không chọn áo dài vốn mang tính đại chúng, mỗi người hoàn toàn có thể lựa chọn trang phục của từng địa phương, như tại Hà Giang, người Mông, Dao, Tày, Nùng… đều có trang phục truyền thống đẹp, bắt mắt.
Hiển nhiên, bạn cũng có thể chọn trang phục của các nước nếu ghé thăm đất nước họ, hay tham gia những ngày hội văn hóa. Điều này cũng giống như việc rất nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam đều muốn thử một lần được mặc, đặt may riêng, mua những bộ áo dài hay các trang phục truyền thống Việt khác. Đó là sự giao thoa, giao lưu văn hóa tất yếu trong bối cảnh xã hội mở như hiện nay.
Một tín hiệu đáng mừng là ngày nay, có nhiều bạn trẻ đã và đang chung tay thực hiện nhiều dự án cùng lan tỏa các phong trào về cổ phục Việt. Những hành động đẹp như thế nếu được hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể, từ cách bạn thuê một bộ trang phục khi đến địa danh du lịch, sẽ khiến những điều ý nghĩa được nhân rộng hơn.