Thay đổi
Tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông, lựa chọn kinh doanh làm bến đỗ, Nhi Lưu (quận 1, TPHCM) thừa nhận cuộc sống sau dịch Covid-19 của mình thay đổi rất nhiều, từ các thói quen sinh hoạt, ăn uống, suy nghĩ đến cách nhìn về cuộc sống.
Một ngày của mình được Nhi Lưu miêu tả ngắn gọn: “Sáng đi làm, chiều em sẽ nghỉ ngơi ăn uống hoặc đi bộ vòng quanh Hội trường Thống Nhất, nơi có nhiều cây xanh. Sau đó em sẽ về nhà sắp xếp công việc cho ngày mai, đọc sách một chút và đi ngủ”. Cô cho biết bản thân mình đã hình thành 3 thói quen mới, đều là những thay đổi tích cực. “Đọc sách mỗi tối được em luyện tập từ trong mùa dịch. Dịch bệnh cũng khiến em chú ý hơn đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao mỗi ngày. Những thói quen này em đã và đang duy trì mỗi ngày”, cô nói thêm.
Minh Nhật (ngụ quận 6, TPHCM) cũng nhận ra những thay đổi của bản thân. Từng là F0 tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà, Nhật đã vượt qua thời gian khó khăn khi thường xuyên bị mất ngủ, rụng tóc, rối loạn lo âu, khó thở, tức ngực… Anh tâm sự: “Tôi học được sự bình tĩnh, không lo sợ và biết cách tự chăm sóc bản thân. Điều ý nghĩa nhất tôi cảm nhận được là giá trị của sự yêu thương, sẻ chia và tình thân. Trò chuyện với người thân mỗi ngày khiến mọi người hiểu nhau, gần nhau hơn”. Đó cũng là lý do hiện tại anh rất hạn chế ăn uống, tụ tập với bạn bè bên ngoài và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Trong khi đó, quyết định nghỉ việc ngay sau khi cuộc sống trở lại bình thường không đường đột với một người làm thiết kế đồ họa như Thiên Lam (ngụ quận 7, TPHCM). “Trong thời điểm dịch bệnh, khối lượng công việc của tôi không những không ít đi mà thậm chí còn nhiều hơn. Ban đầu tôi nghĩ chắc do công việc quá tải, mình cần có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sự sáng tạo. Nhưng sau đó tôi nhận ra, điều quan trọng hơn là mình không còn tìm thấy niềm vui trong công việc ở môi trường hiện tại. Trước đây, tôi chỉ chú tâm đến sức khỏe về thể chất mà không để ý đến sức khỏe tinh thần. Đây chính là bài học lớn nhất tôi nhận ra sau đợt dịch”, cô chia sẻ. Rời công việc cố định, cô không mấy khó khăn để tìm được các dự án làm tự do, thậm chí vẫn cộng tác với công ty cũ nhưng trong tâm thế hoàn toàn mới.
Hiểu chính mình
Theo Minh Nhật, lắng nghe để cảm nhận, để hiểu cơ thể mình là điều rất quan trọng và ý nghĩa. Rất nhiều người đã quen với câu nói - thời điểm dịch bệnh, nếu không ra ngoài được hãy chọn cách đi vào bên trong. Tự chiêm nghiệm, anh thấy điều này rất đúng với cá nhân mình. “Từ chỗ tập từng hơi thở để duy trì sức khỏe khi nhiễm bệnh, mọi thứ đã trở thành thói quen thường nhật. Giờ đây, mỗi ngày khi tập yoga, thiền, đi bộ, chạy bộ hay làm bất cứ việc gì, tôi đều ý thức rất rõ việc lắng nghe cơ thể. Tôi nhận ra không chỉ bản thân mình mà nhiều người trước đây thường đổ lỗi cho bận rộn, tất bật với đủ nỗi lo cuộc sống xô bồ bên ngoài mà quên mất sự hướng nội”, Minh Nhật chia sẻ.
Bài học của Minh Nhật cũng là điều Nhi Lưu cảm nhận rõ rệt. Cô nói với bạn bè: “Giai đoạn 3 tháng cách ly khiến nhiều người, trong đó có cả em, sống chậm hơn (vì không thể nào vội vã được) và dành thời gian hướng vào bên trong nhiều hơn. Cuối tuần có dịp rảnh, anh em tụ hội thưởng thức mấy loại cà phê ngon mới rang thơm phức. Vài tối trong tuần, em sẽ đi chơi bóng rổ cùng với một hội cố định - đều là những anh chị lớn hơn đã đi làm”.
Không chỉ ý thức, kỷ luật hơn với chính mình, nhiều bạn trẻ còn tự tin đặt ra hoạch định tương lai và kiên định hiện thực hóa điều đó. Thời gian sống chậm dù chỉ diễn ra vài tháng nhưng đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt, hướng đến những giá trị cốt lõi và bền vững. Nói như Thiên Lam, khó khăn sẽ còn rất nhiều nhưng những điều tốt đẹp cũng luôn chờ ở phía trước khi sống hết mình, làm hết sức.
Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch bệnh đã khiến những thay đổi ở người trẻ diễn ra như một quy luật tất yếu. Có những thay đổi dù nhỏ, thậm chí diễn ra rất chậm, nhưng những thói quen mới tốt hơn đã dần hình thành. Nhiều người trẻ đã học được cách cân bằng hài hòa giữa việc đảm bảo kinh tế nuôi sống bản thân và đầu tư cho tương lai, giữa sống cho mình và sống vì mọi người, giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của cá nhân. |