Học lịch sử qua nghe - nhìn thực tế
Dù đã được giáo viên bộ môn gợi ý tìm hiểu trước thông tin về Lăng Ông Lê Văn Duyệt nhưng việc được trực tiếp tham quan, nghe giới thiệu về quá trình hình thành và xây dựng Lăng Ông vẫn khiến Phạm Thiên Thanh, học sinh lớp 6/12, Trường THCS Hà Huy Tập bồi hồi, xúc động.
"Nhà em ở quận Bình Thạnh nhưng đây là lần đầu tiên em được vào thăm di tích Lăng Ông. Sau buổi tham quan, em nhận thấy còn nhiều điều mình cần phải tìm hiểu thêm ngoài kiến thức trong sách vở. Em rất thích các tiết học ngoài không gian lớp học vì vui hơn, kiến thức được tiếp thu một cách trực quan, sinh động nên dễ hiểu, dễ nhớ", Phạm Thiên Thanh bày tỏ.
Tương tự, với Phạm Hữu Phước, học sinh lớp 6/2, Trường THCS Hà Huy Tập, việc được tận mắt nhìn thấy lăng mộ và nghe kể về chiến công của các vị anh hùng thời xưa giúp em thêm tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, qua đó hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh
Thầy Nguyễn Ngọc Hiếu, Tổ trưởng chuyên môn Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Hà Huy Tập, bày tỏ, hoạt động trải nghiệm nhằm giúp học sinh nhớ về cội nguồn dân tộc, biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông.
Giáo viên này cũng cho biết thêm, chương trình Lịch sử khối 6, 7 có 2 tiết học về lịch sử địa phương, cùng với đó ở môn Giáo dục lịch sử địa phương có bài học về lễ hội văn hóa dân gian ở miền Nam Việt Nam.
Từ đó, tổ bộ môn đã lồng ghép kiến thức nhiều môn học, kết hợp thêm các hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh như nghi thức khấn bái tổ tiên, giữ gìn tác phong, hành vi đúng mực khi vào thăm di tích lịch sử...
Trước đó, các thầy cô đã nhiều lần đi thực địa, nghiên cứu xây dựng kế hoạch bài dạy, tự bồi dưỡng kiến thức xã hội để mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh.
Theo cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, với mong muốn giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh, nhà trường đã tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm "0 đồng" trên cơ sở tận dụng các khu di tích sẵn có trên địa bàn.
"Thay vì học lịch sử qua các slide trình chiếu trên lớp học, học sinh sẽ được chính thầy cô của mình hướng dẫn tham quan các khu di tích. Ban đầu, một số giáo viên còn bỡ ngỡ nhưng quá trình thực hiện đã giúp giáo viên vững vàng hơn, học sinh và phụ huynh cũng hưởng ứng rất nhiệt tình", cô Hứa Thị Diễm Trâm cho biết.
Được biết, hiện tại là thời điểm các trường đang tổng kết kết quả học tập của học sinh trong học kỳ 1 nên trường đã tận dụng thời gian này tổ chức hoạt động trải nghiệm trước khi các em bước vào chương trình học của học kỳ 2. Hoạt động được triển khai cho tất cả học sinh khối 6, 7.
Đây cũng là hình thức học tập mở sẽ được trường tiếp tục mở rộng trong học kỳ 2 nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.