Nguồn kiến thức đáng tin cậy
GS Phan Văn Trường cho rằng, khác với các bộ môn nghệ thuật khác, sách cho chúng ta 2 thứ: tự do và sự vĩnh hằng. Theo tác giả của bộ sách Một đời kết tinh, sự tự do ở đây chính là cho phép chúng ta được bay bổng, tưởng tượng, được sống nhiều kiếp, nhiều cuộc sống khác nhau. Và đặc biệt, sách cho chúng ta thấy con người tuy đời sống ngắn nhưng lại có sự vĩnh hằng. Tất nhiên, sự vĩnh hằng ấy thể hiện qua sách chứ không phải qua đời sống.
Riêng doanh nhân kiêm tác giả Nguyễn Phi Vân, mỗi một giai đoạn bà có một cuốn sách làm thay đổi cuộc đời. Chẳng hạn như lúc còn bé, cuốn sách gắn bó và có ảnh hưởng tới chị là Ngàn lẻ một đêm. Bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi 30, cuốn sách làm thay đổi cuộc đời chị là Kim Cang Kinh. Và hiện tại là Thành trì sáng tạo, cuốn sách khiến chị phải thay đổi góc nhìn về sáng tạo.
Trước băn khoăn của một độc giả lớn tuổi về việc lựa chọn giữa sách giấy và những thông tin, kể cả sách trên Internet, GS Phan Văn Trường cho biết, cuốn sách hơn tất cả các kênh khác ở chỗ, nó giúp chúng ta hiểu thấu được gốc của vấn đề, không phải là những mẩu chuyện, những chuyện tào lao ngoài xã hội.
Dưới góc độ người làm nội dung, doanh nhân Nguyễn Phi Vân chỉ ra thực tế, những tác phẩm hay thường được chuyển thể thành phim. Và khi xem phim, người ta lại đi tìm sách để đọc. Chính vì vậy, theo chị, tất cả nội dung mà chúng ta muốn chuyển tải tới người đọc, người xem hay người nghe cũng có thể ứng dụng theo sự chuyển động và phát triển của công nghệ hiện nay.
“Có lẽ, đã đến lúc tất cả chúng ta nên nghĩ đến sách ở góc độ nội dung và sử dụng ở nhiều kênh khác nhau để chạm vào người thụ hưởng cuối cùng. Phải chăng đó là cách để chúng ta xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và phù hợp hơn với các bạn nhỏ và thế hệ tiếp nối?”, tác giả Nguyễn Phi Vân đặt vấn đề.
Theo ông Lê Hoàng, cần phân biệt giữa sách và các thông tin trên Internet. Nếu là sách, tất nhiên cũng có thể đọc qua Internet nhưng hoàn toàn khác với những thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube… Tuy vậy, chỉ có sách mới mang lại kiến thức đáng tin cậy, còn những thông tin đó cũng có thể cho chúng ta kiến thức nhưng cần thận trọng vì đó mới chỉ dừng ở mức thông tin.
Chính vì vậy, ông Lê Hoàng cho rằng, nếu muốn biến kiến thức để sử dụng trong cuộc sống thì nên thông qua sách. Bởi vì sách được viết bởi những người có kiến thức và trách nhiệm với xã hội. Trên Internet không ai chịu trách nhiệm cho thông tin hoặc những sai sót nếu có.
“Sách không chỉ là kho tàng về tri thức, mà còn mang lại cho chúng ta những giá trị, thông điệp vô cùng tốt đẹp cho tâm hồn, cho cuộc sống. Thành ra, chúng ta nên có sự phân biệt giữa đọc sách và đọc thông tin trên Internet”, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ.
Dựa vào nhu cầu của bản thân để chọn sách
Mỗi năm, cả nước có 37.000 đầu sách mới; làm thế nào để có thể chọn những cuốn sách phù hợp và hữu ích cho mình. Trước vấn đề này, tác giả Nguyễn Phi Vân cho rằng, không nên làm chuyện ngược lại, là tìm sách trong 37.000 cuốn kia. Khi bản thân đang thực sự cần gì thì chúng ta hãy tìm cuốn sách xuất phát từ nhu cầu đó.
Ở vào giai đoạn bị khủng hoảng, dù vẫn biết mình đã làm được một số việc, cũng có sự nghiệp nhưng theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Phi Vân, đâu đó trong chị vẫn cảm thấy thiếu một tâm hồn, một trái tim, một nơi nào đó để thuộc về. Và lúc đó, chị lại đi tìm những cuốn sách nói về tâm hồn, về nhân sinh để tìm đọc.
Từ trải nghiệm của bản thân, tác giả Nguyễn Phi Vân đúc kết: “Chúng ta nên bắt đầu như vậy mới có thể đọc hết một quyển sách được. Còn nếu để lựa chọn giữa 37.000 cuốn sẽ khiến chúng ta trở nên hoang mang, không biết tìm cuốn sách nào. Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ bản thân mình trước”.