Nằm điều trị tại Khoa Ngoại tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, 2 “hiệp sĩ” trong vụ bắt cướp trên địa bàn quận 3, TPHCM vào tối 13-5 có tuổi đời khá trẻ, đều sinh năm 1996 và đều là sinh viên.
Họ là Nguyễn Đức Huy và Đinh Phú Quý, vốn là bạn thân của nhau, đã chơi với nhau từ khi còn học cấp 1.
Trong hồ sơ bệnh án của “hiệp sĩ” Nguyễn Đức Huy ghi: “thành ngực bị đâm”.
Theo lời của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất, Huy bị vết thương ngực hở, nằm bên tay phải. Vết đâm khá sâu, làm thủng phổi gây nên tình trạng tràn máu, tràn khí lồng ngực. May mắn là vết thương không trúng tim. Do đó, sau khi được mổ cấp cứu dẫn lưu khoang màng phổi, sức khỏe “hiệp sĩ” Huy đã ổn định.
Bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết Huy có thể xuất viện trong vòng 10-15 ngày nữa.
Nằm bên cạnh, chung phòng với Huy là “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý, được xác định là “đứt động mạch cánh tay”.
Huy kể tình trạng lúc đó rất hỗn loạn. Tên cướp sử dụng con dao như lưỡi lê, rất sắc, đâm trúng nhiều người trong đoàn, trong đó có cả Huy.
“Tôi bị vết thương bên phải, máu chảy nhiều nhưng không bằng Quý. Cánh tay Quý bị chém với vết thương sâu, máu chảy lai láng”, Huy nhớ lại và cho biết lúc đó người dân chứng kiến cũng khá đông nhưng do thấy máu đổ quá nhiều nên hầu như chỉ đứng quan sát.
Trong tình hình đó, Huy lấy xe và kêu Quý tựa vào lưng mình. “Tôi một tay lái xe, một tay vòng ngang bụng đè vào vết thương của mình và cánh tay ép giữ lấy tay của Quý”, Huy kể và xác định điểm đến là Bệnh viện Thống Nhất.
Huy bảo Quý đưa cánh tay bị thương lên cao, cố gắng bóp chặn ngăn máu chảy và mình lái xe.
Trên đường gió thổi thốc vào khiến vết thương lạnh buốt nhưng trong đầu Huy lúc đó kiên trì, tự nhủ với mình phải ráng chịu đau để kịp đưa bạn mình đến bệnh viện.
Một tay rồ ga lái xe, một tay đè vết thương, hạn chế gió thổi vào vết thương và kẹp tay của bạn, còn miệng Huy thì hô lớn, cùng với tiếng còi xe được bấm liên tục để người đi đường nhường đường. Thi thoảng, Huy cũng động viên bạn mình: “Cố lên, đừng ngủ Quý ơi. Cố lên, sắp tới bệnh viện rồi”.
Huy cảm nhận rất rõ sự đau rát từ vết thương nhưng ý thức được vết thương mình nhẹ hơn bạn rất nhiều. Vì thế phải cắn răn chịu đau, cố gắng đưa bạn đến bệnh viện và tự cứu sống nhau.
Chiếc xe vừa trờ tới cổng bệnh viện cũng là Quý ngất xỉu. Huy nói trong khoảng thời gian chở Quý đến bệnh viện, điều mình lo sợ nhất là Quý không cầm cự nổi.
Trong khi đó, Quý cho biết, tên trộm xe dùng hung khí rất sắc, chém vào cánh tay phải khiến máu phun ra thành vòi. Rất hoảng sợ, song được Huy động viên, hướng dẫn, Quý ngồi lên xe và tựa hẳn vào người Huy.
Do máu ra quá nhiều, trên đường đi mắt Quý mờ đi, không còn nhìn thấy gì cả, song bên tai là tiếng Huy kêu lớn nhường đường và sự động viên liên tục. Đến khi vào bệnh viện, được cầm máu, truyền máu và cấp cứu hồi sức, mắt Quý sáng trở lại thì cảm giác lo sợ mới tan biến.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất, “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mất máu.
Theo bác sĩ Chung Giang Đông, nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị sốc nặng vì mất máu. Ngay lập tức các bác sĩ thực hiện cầm máu, truyền máu và cho lưu thông mạch máu.
Đồng thời, các bác sĩ cũng thực hiện việc hồi sức cho nạn nhân bằng việc truyền dịch, truyền đạm; nâng huyết áp cho Quý để đảm bảo lưu thông máu.
Theo bác sĩ Chung Giang Đông, 1 người bình thường có khoảng 4 lít máu. Nếu mất khoảng 10% lượng máu thì lập tức huyết áp tụt. Nếu mất hơn phân nữa máu thì cơ thể không bơm máu đi được và bệnh nhân không sống nổi. Ngoài ra, trong vòng 5-10 phút mà máu không được bơm sẽ dẫn đến tình trạng chết não.
“Nhiều bệnh nhân bị mất máu nhiều sẽ khiến huyết áp tụt và máu không bơm lên não được là rất nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Chung Giang Đông chia sẻ và nhận xét, điều may mắn với Quý là được đưa vào bệnh viện kịp thời. Thứ nữa, ê kíp bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp xử lý kịp thời, đảm bảo ca phẫu thuật thành công.
Hiện nay, Quý đang trong giai đoạn hồi phục với đánh giá là tiến triển tốt. Tuy nhiên, Quý cần từ 7 đến 10 ngày để vết thương lành và sau đó tập luyện thường xuyên để các cơ có thể vận động trở lại bình thường.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Đức Huy đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Hiện em đang dở dang luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, trong chuyến thăm hỏi, động viên các “hiệp sĩ” vào chiều tối 14-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thông báo tình hình của Huy cho nhà trường và đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho Huy được có thời gian điều trị bệnh và hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Nguyễn Đức Huy cũng cho biết, do em đang học năm cuối Đại học, sắp ra trường và vì tiết kiệm nên em không tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết ngay từ đầu, bệnh viện đã xác định là ưu tiên tập trung cấp cứu, phẫu thuật và điều trị cho 2 “hiệp sĩ” này một cách tốt nhất.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dặn dò đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tận tâm chữa bệnh, chăm sóc các “hiệp sĩ” thật tốt. Trong quá trình điều trị, nếu phát sinh khó khăn về kinh phí, TPHCM sẽ vận động, kêu gọi tài trợ để đảm bảo việc chăm sóc, điều trị của các “hiệp sĩ” được tốt nhất.