Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh: Người bắc cầu kết nối yêu thương, đoàn kết

Người đầu tiên tại châu Á được Tòa Thánh Vatican trao tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá là ông Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh, giáo dân Giáo xứ Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (tháng 11-2007). Đến nay, ông Lê Đức Thịnh đã có hành trình hơn 40 năm kết nối yêu thương, đoàn kết, hòa hợp dân tộc và dấn thân vì một xã hội phát triển.

“Hãy bắc cầu, đừng xây tường”

Lần đầu tiếp xúc với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cách nay hơn 6 năm trong dịp chúng tôi cùng lãnh đạo TPHCM đi thăm, chúc mừng Giáng sinh, là lúc ông vừa trải qua thời gian điều trị bệnh nan y, sức khỏe chưa hồi phục hẳn. Thế nhưng, như ông nói: “Tôi vừa đi thăm bà con mình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, sắp tới tôi lại đi Kon Tum, Đắk Lắk lo tết cho bà con”.

D5c.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Kon Tum

Lần hẹn gặp không thành cách nay hơn 1 năm, khi vừa xảy ra vụ nhóm đối tượng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), ông nhắn mấy dòng gửi chúng tôi: “Tôi đang ở trên này với bà con và thăm hỏi gia đình các anh em hy sinh”. Nhiều lần hẹn gặp từ đầu năm đến giờ cũng đều không thành, khi thì “Tôi đang đi tặng quà 100 hộ gia đình khó khăn ở Đồng Nai”, “Tôi đang đi thăm, tặng quà bà con ở Kon Tum”, lúc lại “Tôi vừa đi trao nhà tình thương ở Đồng Nai về”… Trong tháng 7 vừa qua, ông có lịch trình dày đặc các chuyến thăm, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ ở khắp nơi.

Trong hành trình hơn 40 năm kết nối yêu thương, điều mà ông Lê Đức Thịnh dồn tâm sức nhiều nhất là bắc những nhịp cầu để mối quan hệ giữa các cấp chính quyền và giáo hội ngày một hiểu nhau hơn. Ông kêu gọi mọi người “Hãy bắc cầu, đừng xây tường”.

Xây cầu, không xây tường tức xóa bỏ những rào cản, chính là suy nghĩ và hành động của ông Lê Đức Thịnh ngay từ năm 1983, khi lần đầu tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với vai trò phụ trách kinh tế, tài chính theo chủ trương cho các đoàn thể làm kinh tế. Ngoài tham gia tạo kinh phí cho các hoạt động của Trung ương MTTQ Việt Nam, ông còn tiếp cận với lãnh đạo các cơ quan Trung ương và MTTQ các cấp, kiến nghị những vấn đề từ thực tế còn có khoảng cách giữa Đảng, Nhà nước với Giáo hội Công giáo, cũng như giải quyết những vấn đề lịch sử còn tồn tại.

Đồng thời, ông còn tổ chức cho những nơi có người Công giáo trong các dòng tu làm kinh tế, để đưa sự hòa hợp giữa đạo và đời, giữa chính quyền với Công giáo. Từ đó, ông kết nối lãnh đạo Trung ương và các địa phương, trong đó có các đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Thế Duyệt… đến thăm các cơ sở kinh tế của Giáo hội, góp phần tuyên truyền cho người Công giáo hiểu và ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần 9, tháng 12-2015, khi được mời lên phát biểu, ông nói: “Nước ta đã phải chịu sự chia rẽ kéo dài, mà chia rẽ về lãnh thổ sẽ dẫn đến chia rẽ về lòng người; nay đã thống nhất được lãnh thổ phải tìm cách thống nhất lòng người”.

Thông qua hoạt động, phong trào của MTTQ, ông tìm cách tiếp cận các vị linh mục, giám mục, hồng y, tổng giám mục để lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong giáo hội và giáo xứ ở các địa phương để đề đạt với MTTQ các cấp và lãnh đạo địa phương, cùng ngồi lại tháo gỡ, giải quyết từng vấn đề đặt ra.

“Cách để hóa giải những bất đồng tốt nhất là đối thoại. Đối thoại thì đòi hỏi chân thành, không phải người này ở trên, người kia ở dưới. Đơn cử như năm 2005, giữa lúc chính quyền địa phương và Tòa Giám mục Xuân Lộc còn một số điểm chưa thống nhất, tôi đã mời ông Phạm Thế Duyệt, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về thăm Giáo phận Xuân Lộc. Cuộc gặp được diễn ra đúng ngày 30-4, trong bầu không khí trang trọng và thân tình giữa ông Phạm Thế Duyệt và Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Nguyễn Chu Trinh. Cuộc gặp lịch sử đó đã hóa giải được nhiều điều vướng mắc, mở ra một kênh thông tin đối thoại, kết nối, ủng hộ nhau trong nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt của các giáo xứ, họ đạo trong giáo phận và Giáo hội Công giáo”, ông Lê Đức Thịnh nhớ lại.

"Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt"

“Ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm, bản thân phải làm thuê từ năm lớp 6. Từ hồi học lớp 2, tôi đã phải vác cuốc đi làm đồng phụ giúp gia đình. Đêm hôm trời mưa, trời gió ra đồng trồng bắp, 3 giờ sáng tôi đi bẻ bắp với bố. Bố chất một xe bắp 5 bao to đẩy ra chợ bán lúc 5 giờ sáng. Vừa ngang qua khu nghĩa địa thì thấy có tờ 500 đồng (tiền chế độ cũ) của ai đó làm rơi. Vớ được đồng tiền đó tôi mừng quá, vì cả xe bắp chỉ có 170 đồng. Tôi đem khoe với bố “Thầy ơi con lượm được tiền”. Ông bảo “Tiền gì, đưa xem. Con lượm ở đâu đấy”. “Con lượm ở đằng kia ạ”. “Con mang lại để đó rồi lấy cục đá nhỏ đè lên, ai làm rớt họ quay lại sẽ tìm lấy”.

D1 t3.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao bảng tượng trưng tặng 5 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên

Câu chuyện về những năm tháng tuổi thơ khó nhọc được ông Thịnh nhớ mãi, và lấy đó làm bài học để rèn luyện, phấn đấu trở thành người công dân tốt, có ích cho đạo, cho đời. Ý niệm này đã hướng ông đi theo con đường “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”, trở thành đường hướng cho mọi giáo dân trong Giáo hội Công giáo Việt Nam noi theo. Với ông, hành trình kết nối yêu thương, đoàn kết, hòa hợp dân tộc còn gắn với nỗ lực, vượt lên chính mình bằng những hoạt động, công việc đem lại giá trị thiết thực cho xã hội.

Từ một người làm công cho hết nông trại này đến doanh nghiệp kia trên vùng đất Tây Nguyên, cộng với sự nỗ lực học tập, nắm bắt thị trường, ông đã đứng ra liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, sản xuất cọc bê tông, xây dựng, bệnh viện… Lợi nhuận có được từ các hoạt động kinh tế này được ông dành hết cho hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, vùng núi cao các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang…

Ở những nơi trên vùng xa xôi này, không khó bắt gặp hình ảnh Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh lặn lội trong các bản làng vùng đồng bào các dân tộc để trao quà, tặng nhà tình thương; khảo sát đời sống, sinh hoạt của người dân rồi vận động kinh phí xây trường học, trường nghề; mời gọi chung tay chăm lo người nghèo, giúp trẻ khuyết tật… Tính ra, trong hành trình hơn 40 năm kết nối yêu thương, ông đã trao đến người khó ở khắp nơi trên quê hương mình đến hàng trăm tỷ đồng, giúp bao mảnh đời khó nhọc đổi đời, bao trẻ tật nguyền được học hành, làm người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Bài viết “Vatican và Đảng Cộng sản Việt Nam: chuyển biến mới về ý thức hệ” của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đăng trên Tạp chí Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông ngày 27-3-2024, đã xác định: “Cần phải ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực của nhiều thế hệ người Công giáo yêu nước - những người đã dũng cảm đấu tranh vì tự do tôn giáo, vì sự hợp tác, xóa bỏ hiểu lầm giữa Công giáo với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ quá trình đấu tranh gian khổ, quyết liệt cùng những hy sinh to lớn của những người như Linh mục Võ Thành Trinh, Linh mục Nguyễn Công Danh, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh… mà mối quan hệ giữa Công giáo và Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được những thành tựu như ngày hôm nay”.

Tin cùng chuyên mục