Theo ông Tâm, nếu Grab hợp tác với HTX trên danh nghĩa là đơn vị kinh doanh vận tải thì phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng như taxi truyền thống. Trong khi đó, về số lượng xe, hãng Mai Linh hoạt động 20 năm cũng chỉ được cấp phép 480 xe. Hiện Hiệp hội gồm 8 hãng taxi chỉ được cấp phép 1.700 xe. Các hãng taxi chỉ được phép hoạt động ở Đà Nẵng và mang biển số 43; phải tuân thủ logo nhận diện xe, có đồng phục cho tài xế, số điện thoại đường dây nóng và nhiều quy định khác.
Ngoài ra, lái xe taxi trước khi tham gia hoạt động phải qua đào tạo, qua lớp huấn luyện của sở GTVT, Hiệp hội Taxi; trải qua bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, cung cách thái độ phục vụ, văn hóa trong kinh doanh,... mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Trong khi đó, chỉ mới hoạt động vài năm, Grab đã có hơn 2.700 xe hoạt động từ việc hợp tác với các HTX vận tải. Xe Grab tràn lan xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn vô tư hoạt động vận tải hành khách ở Đà Nẵng,...
“Chỉ cần điện thoại thông minh và phương tiện thì ai cũng có thể đăng ký tham gia trở thành tài xế Grab. Tài xế Grab không cần mang đồng phục, thậm chí mang áo pull, quần đùi, dép lê đón khách…”, ông Tâm chia sẻ.
Đề cập về giá cước, các hãng taxi công bố niêm yết rõ ràng, muốn điều chỉnh giá phải có cơ sở rồi đề xuất và chờ được đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước mới được điều chỉnh giá cước. Trong khi Grab lại có thể tăng, giảm giá tùy ý trong một ngày.
Theo ông Tâm, khoảng 7-8 năm nay, Grab đang hoạt động trái phép do TP Đà Nẵng vẫn chưa đồng ý cho Grab thí điểm tại địa phương trong lúc chờ Chính phủ, các bộ, ngành có quyết định cuối cùng. Nhưng thực tế, hàng ngàn xe Grab ô tô vẫn vô tư vận chuyển khách khiến các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn. Vì vậy, Hiệp hội sẽ tiếp tục gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng về hoạt động của Grab trên địa bàn Đà Nẵng.
Trước đó, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị hướng dẫn, làm rõ nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Grab trên địa bàn do có 2 quan điểm trái chiều.