Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Vai trò và phương pháp rà soát góp ý xây dựng chính sách, pháp luật đối với các hiệp hội, hội doanh nghiệp” được tổ chức ở TPHCM vừa qua.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật mỗi năm. Trong đó, khoảng 50% quy định trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp và 20% có tác động gián tiếp. Thời gian qua, các hiệp hội ngành hàng tham gia xây dựng văn bản pháp luật, bước đầu cho thấy có hiệu quả tích cực. Trong đó, nhiều văn bản pháp luật và cơ chế chính sách ở một số lĩnh vực đã được cải cách, sửa đổi, bổ sung; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay việc lấy ý kiến của hiệp hội ngành hàng và tham vấn các chuyên gia trong xây dựng văn bản pháp luật còn mang tính hình thức nên chưa phát huy tối đa được hiệu quả. Điển hình, các dự thảo luật, văn bản pháp luật... có thời gian và thời hạn góp ý khá ngắn; đồng thời, công tác triển khai lấy ý kiến cũng rườm rà thủ tục nên chưa tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp thể hiện tiếng nói của mình.
Để thúc đẩy hiệp hội ngành hàng tham gia tích cực vào việc xây dựng các văn bản pháp luật, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cho hay, bên cạnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác lấy ý kiến, tham vấn cần sớm thông qua luật hiệp hội ngành hàng để tạo cơ sở xác định vai trò, chức năng của tổ chức này. Từ đó, nâng cao năng lực hoạt động của hiệp hội ngành hàng trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và thực thi cơ chế chính sách pháp luật.