Mỹ bị buộc phải ký kết Hiệp định Paris
Theo trang web historynewsnetwork.org, vào ngày 26-10-1972, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay” tại Việt Nam. Điều đáng nhớ là khi Kissinger phát biểu, ông không đề cập đến một thỏa thuận vẫn đang được đàm phán với một dự thảo cuối cùng đã được Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng (phía Mỹ gọi tắt là Bắc Việt) chính thức chấp thuận (điều này được xác minh trong cả hồi ký của Tổng thống Mỹ Nixon và Kissinger). Vài giờ trước khi Kissinger bước lên bục trong phòng họp của Nhà Trắng để tuyên bố, hãng thông tấn chính thức của Hà Nội đã phát đi thông báo xác nhận thỏa thuận và đưa ra một phác thảo chi tiết về các điều khoản trong đó.
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissenger sau khi ký kết Hiệp định Paris 1973. Ảnh: Tư Liệu |
Hồ sơ từ trang web historynewsnetwork.org cũng cho rằng chính Mỹ, chứ không phải Bắc Việt Nam, đã hủy bỏ dự thảo Hiệp định Paris tháng 10-1972. Sau khi chấp nhận bản dự thảo cuối cùng và lên lịch tổ chức lễ ký chính thức, các nhà đàm phán Mỹ đã hai lần hoãn ngày ký, và sau đó hủy bỏ vô thời hạn với lý do đồng minh của họ là Việt Nam Cộng hòa (vốn bị loại khỏi các cuộc đàm phán) không chấp nhận dự thảo hiệp định.
Theo trang web này thì truyền thông Mỹ, nhất là truyền thông quân đội, vào tháng 1-1973 dường như phớt lờ chuyện Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh Kissenger hủy bỏ ký kết dự thảo Hiệp định Paris tháng 10-1972. Thay vào đó, họ chỉ thông tin rằng “khi các cuộc đàm phán kéo dài, Tổng thống Nixon đã phát lệnh chiến dịch không kích Hà Nội vào tháng 12-1972, sau đó Bắc Việt do không có khả năng tự vệ, quay trở lại đàm phán và nhanh chóng đi đến một giải pháp”. Một số tờ còn kết luận trắng trợn: “Do đó, không quân Mỹ đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài”.
Theo các nhà sử học Mỹ, so sánh giữa nội dung dự thảo Hiệp định Paris từ tháng 10-1972 và tháng 1-1973 có thể thấy rõ ràng rằng Bắc Việt Nam không nhượng bộ gì trong thỏa thuận, cho dù Mỹ đã mang bom “rải thảm” miền Bắc Việt Nam hai đợt, từ tháng 5 đến tháng 10-1972 và từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972. Ngoài một số thay đổi nhỏ về thủ tục và một số sửa đổi về từ ngữ, hai văn bản này giống hệt nhau về nội dung, chứng tỏ rằng 2 đợt ném bom của Mỹ không làm thay đổi các quyết định của Hà Nội theo bất kỳ cách nào.
Hơn hết, các cuộc ném bom tuy có gây những tổn thất nặng về cơ sở vật chất cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng gây một làn sóng bất bình lớn từ chính người Mỹ, dư luận và chính giới của các nước trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh lâu dài của Mỹ. Uy tín của Chính phủ Mỹ bị xuống thấp nghiêm trọng. Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, gặp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom vào ngày 30-12-1972, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris. Tại đây, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà trước đó họ đã từ chối ký kết. Sau cùng, các nhà sử học Mỹ kêu gọi Lầu Năm Góc và cả những người liên quan đến các vấn đề chính sách an ninh quốc gia hiện tại nên coi trọng sự thật lịch sử.
Những cột mốc thất bại của phe chủ chiến tại Mỹ
Cựu chiến binh tại Việt Nam và là nhà sử học quân sự Jerry Morelock đặt câu hỏi: “Mỹ thua trong Chiến tranh Việt Nam khi nào?”. Hầu hết những người được hỏi có chút hiểu biết về chiến tranh đều có thể trả lời: “Ngày 30-4-1975”. Nhưng có chính xác?
Có ý kiến cho rằng ngày 2-11-1963 diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, hay ngày 22-11-1963 xảy ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy cũng có thể được xem là ngày cuộc chiến đã kết thúc, không thể cứu vãn được nữa, vì họ tin rằng ông Kennedy có thể đưa Mỹ thoát khỏi tình trạng sa lầy tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó là những phỏng đoán.
Theo nhà sử học Morelock, ngày 30-4-1975 được công nhận là kết thúc chiến tranh, nhưng những sự kiện vào những ngày trước đó đã tạo ra những phản ứng chuyển động khiến cho thất bại của Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Một sự kiện đặc biệt đã giáng một đòn nghiêm trọng vào sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam: Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 30-1-1968. Quy mô lớn của các cuộc tấn công và thương vong cao của Mỹ đã khiến nhiều người Mỹ bị sốc. Tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến, vốn đã giảm trong các cuộc thăm dò ý kiến của Viện Gallup, đã giảm xuống 40% trong những tháng sau Tết Mậu Thân, so với 50% một năm trước đó, và không bao giờ hồi phục.
Sau khi Hiệp định Paris ký kết tháng 1-1973, Tu chính án Case-Church đã được sửa đổi và được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 6 cùng năm, ký thành luật vào ngày 1-7-1973. Động thái này được ví như con dao găm cắm vào ngực những người chủ chiến ở Nhà Trắng. Tổng thống Richard Nixon, bị cản trở về mặt chính trị do vụ Watergate đang diễn ra, đã không thể ngăn cản việc thông qua Tu chính án Case-Church. Tu chính án này kèm theo Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh của Quốc hội Mỹ vào tháng 11-1973 đã hạn chế nghiêm trọng khả năng điều hành của tổng thống với các lực lượng quân sự tham chiến.
Sau Hiệp định Paris, Quốc hội Mỹ - do các chính trị gia cam kết chấm dứt chiến tranh kiểm soát - đã tập trung sự chú ý vào nhiệm kỳ của Tổng thống Nixon hơn là vào Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, vào tháng 7-1973, Quốc hội Mỹ phản ánh nguyện vọng của cử tri, đã cấm can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Việc Tổng thống Nixon từ chức sau đó là một dấu hiệu khác cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt.