Hiệp định Paris 1973: Kênh ngoại giao nhân dân phát huy hiệu quả cao độ

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ký kết, cũng là dịp quan trọng để nhìn lại quá trình đàm phán hiệp định, rút ra bài học kinh nghiệm của quá trình đàm phán để vận dụng sáng tạo cho thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay, trong đó có đối ngoại nhân dân.

Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973 là một thắng lợi quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta và đã mở ra dấu mốc quan trọng cho lịch sử Việt Nam, tạo cơ sở để chúng ta tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4-1975).

Sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tiếp đó là sau sự kiện 30-4-1975, các nước trên thế giới bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chính thức đưa Việt Nam tham gia một cách đầy đủ với tư cách là một quốc gia thống nhất, độc lập hoàn toàn trên vũ đài quốc tế. Hàng loạt các quốc gia năm 1973 đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam như: Canada, Argentina, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan… Đây có thể xem là kết quả tất yếu mà chúng ta có được từ thắng lợi của Hiệp định Paris 1973.

Đặc biệt, trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, Việt Nam đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chúng ta cũng đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ công bằng và công lý cho Việt Nam. Có thể khẳng định, phong trào đoàn kết quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Đó chính là sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp để Việt Nam đạt được thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh đó, Hiệp định Paris còn là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý: “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta.

screenshot-100-4003-6823.png
Các đại biểu trong nước và quốc tế thăm hỏi, chúc mừng bà Nguyễn Thị Bình tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023), ngày 17-1-2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức

Có thể nói, chính Hiệp định Paris 1973 là nơi thể hiện rõ nét nhất tính hiệu quả và sức mạnh của chính sách đối ngoại nhân dân, từ hiệp định mà Việt Nam đã xây dựng được tình bạn quốc tế, những người bạn chung thủy sắt son đến tận bây giờ. Nếu như trong những năm tháng Việt Nam rất khó khăn, nhiều nước, bạn bè, tổ chức, các phong trào nhân dân thế giới đã dành tình cảm, của cải vật chất để ủng hộ cho hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam thì trong giai đoạn cải cách, mở cửa, chính hệ thống bạn bè quốc tế này cũng đã dành tình cảm, nguồn lực để ủng hộ Việt Nam, bình thường hóa quan hệ, phá thế bao vây cấm vận, tiến hành công cuộc đổi mới của chúng ta.

Năm 2023 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris và cũng kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao với nhiều nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã tổ chức nhiều chuỗi sự kiện quan trọng như các hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ…

Cũng trong khuôn khổ này, chúng ta một lần nữa khẳng định với lãnh đạo và nhân dân thế giới: “Việt Nam trước sau như một”. Thông qua các hoạt động này, kênh ngoại giao nhân dân của Việt Nam muốn chuyển tải thông điệp: “Việt Nam trước đây như thế nào thì bây giờ chúng tôi vẫn thủy chung, nghĩa tình và nhớ ơn, công lao, sự đóng góp và ủng hộ của các bạn”. Điều này cũng là một phần trong mục tiêu, mục đích, phương châm của hoạt động đối ngoại. Chúng ta có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chúng ta thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của mình. Chúng ta có trách nhiệm làm bạn, làm đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm.

Chúng ta phải tiếp tục duy trì, củng cố mạng lưới đối tác sẵn có. Nhưng đồng thời đặt ra nhiệm vụ quan trọng đó là mở rộng mạng lưới bạn bè đối tác trên kênh nhân dân ở các quốc gia. Nhưng mở rộng như thế nào? tại quốc gia nào? đối với những nhóm đối tượng nào? đây là câu chuyện không hề đơn giản.

Do đó, từ việc kế thừa và phát huy tinh thần của Hiệp định Paris 1973, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai mở rộng bạn bè quốc tế, thiết lập các đối tác kênh ngoại giao nhân dân dựa trên một số cơ sở và nguyên tắc nhất định. Cơ sở và nguyên tắc cao nhất là thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam: độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tựu trung, kênh đối ngoại nhân dân phải vừa củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, nhưng cũng vừa tranh thủ vận động nguồn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục