Tham dự sự kiện có 26 người bạn quốc tế đến từ các tổ chức hữu nghị, hòa bình tại 15 quốc gia trên thế giới. Đây là những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có thời kỳ Hội nghị Paris, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đoàn đại biểu quốc tế dự Gặp gỡ hữu nghị đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh QUANG PHÚC |
Nhân dịp này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong bốn người ký tên vào Hiệp định Paris đã gửi thông điệp tới sự kiện. Trong đó nhấn mạnh: Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam. Đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi to lớn chưa từng có của thế giới, đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.
“Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt...”, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định trong thông điệp gửi tới sự kiện. Ảnh QUANG PHÚC |
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn khẳng định, chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong Hiệp định Paris nói riêng, chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung cũng là chiến thắng của lương tri, của niềm tin vào chính nghĩa, chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc và của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
“Chúng ta luôn ghi nhớ trong tim mình tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của hàng triệu người, không kể màu da, tôn giáo ở các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức, nhà báo... những người đã cùng nhau hình thành một mặt trận rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam”, ông Phan Anh Sơn nói.
Ông Phan Anh Sơn khẳng định, 50 năm kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết, các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, những người đã tham gia ủng hộ Việt Nam đã dần đi xa do tuổi cao sức yếu. Nhưng, hình ảnh của họ, tình đoàn kết, sự ủng hộ của họ với nhân dân Việt Nam sẽ mãi là ngọn lửa soi sáng con đường chúng ta đi, mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu trong nước và quốc tế đã nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, ôn lại kỷ niệm của những năm tháng khó khăn, gian khổ nhân dân Việt Nam cùng bạn bè chiến đấu và chiến thắng; đồng thời, tưởng nhớ những người bạn đã ra đi, chia sẻ bài học để các thế hệ kế tiếp phát huy truyền thống, đẩy mạnh đoàn kết quốc tế vì hòa bình, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.