Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Genève (21-7-1954 - 21-7-2024)

Hiệp định Genève - Những bài học sâu sắc cho ngoại giao Việt Nam

Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương là sự kiện lớn trong lịch sử ngoại giao thế giới cũng như ngoại giao Việt Nam, trong đó Hiệp định Genève đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho ngoại giao Việt Nam.

Hiệp định Genève - Những bài học sâu sắc cho ngoại giao Việt Nam

Bài học về kiên định độc lập và tự chủ

Hội nghị Genève (diễn ra từ ngày 26-4 đến ngày 21-7-1954) đã ký kết 3 hiệp định đình chiến về Việt Nam, Lào, Campuchia và thông qua Tuyên bố chung gồm 13 điểm với sự nhất trí của 7 đoàn. Nội dung cơ bản là Pháp cam kết chấm dứt chiến tranh, rút quân, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương; ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 ranh giới phân vùng tập kết, thời gian chuyển quân 300 ngày, ở Việt Nam sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau 2 năm; lực lượng kháng chiến Lào ở Bắc Lào, giáp với Trung Quốc; lực lượng kháng chiến Campuchia giải giáp tại chỗ, không có khu tập kết; Ủy ban Kiểm soát và giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm chủ tịch.

Bên cạnh thành công, Hội nghị Genève có những hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là, vĩ tuyến 17 ở Việt Nam không phản ánh đầy đủ xu thế thắng lợi của ta trên chiến trường và xu thế chính trị của cuộc đấu tranh giữa ta và Pháp; đại diện kháng chiến Lào và Campuchia mặc dù là một bên tham chiến song không được dự hội nghị; tổng tuyển cử ở Việt Nam sau 2 năm và thực tế là sau đó đã không diễn ra.

Hội nghị Genève vẫn có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở tầm quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève đã mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Đối với Việt Nam, Hiệp định Genève để lại nhiều bài học vô giá cho ngoại giao và đến nay còn nguyên giá trị. Trước hết, đó là bài học về kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là bài học lớn của Việt Nam khi tham gia Hội nghị Genève. Mặc dù chúng ta có chiến thắng Điện Biên Phủ, song gặp rất nhiều thách thức vì đây là cuộc “trao đổi” giữa các nước lớn. Việt Nam có đồng minh là Liên Xô, Trung Quốc, song trong một số trường hợp, có những mục đích không song trùng với ta. Hơn nữa, “phe ta” là thiểu số so với phương Tây.

Trong hoàn cảnh đó, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, trước hết là chấm dứt chiến tranh, chế độ thuộc địa của Pháp và Việt Nam độc lập, thống nhất.

Tiếp đó, là bài học cần phải đàm phán trực tiếp với đối thủ là Pháp về các vấn đề của chính mình. Từ bài học này nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta chủ trương thương lượng trực tiếp với Mỹ.

Hiệp định Genève còn để lại bài học về độc lập tự chủ, đoàn kết và hợp tác quốc tế. Đây cũng là tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Nói chuyện với các nhà ngoại giao (vào tháng 1-1964), Người khẳng định: “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”. Độc lập tự chủ không có nghĩa là biệt lập, cô lập, trái lại gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Quan điểm độc lập tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có từ năm 1921, được bổ sung, phát triển trong quá trình hoạt động cách mạng.

Bài học về nghiên cứu và dự báo chiến lược

Hiệp định Genève cũng để lại bài học về coi trọng nghiên cứu chiến lược. Chiến lược là một kế hoạch toàn diện, tổng thể được thiết lập để đạt mục tiêu lớn và tạo được lợi thế cạnh tranh. Nó là quá trình xác định quan điểm chỉ đạo, các hướng đi chính, nguồn lực và cách tiếp cận để đạt được mục tiêu dài hạn, đồng thời tận dụng các cơ hội và đối phó với những thách thức trong môi trường chiến lược. Chiến lược còn liên quan đến việc xác định và tận dụng cơ hội, đối phó với các thách thức, rủi ro, bao gồm việc phân tích môi trường trong nước cùng bối cảnh quốc tế, đánh giá điểm mạnh, yếu và xác định các con đường để đạt được mục tiêu...

Nghiên cứu chiến lược là nghiên cứu một cách toàn diện, sâu, xa về lịch sử và dự báo triển vọng. Do không lập Nhóm nghiên cứu phục vụ tham gia Hội nghị Genève nên ta đã không thấy hết xu hướng đấu tranh và thỏa hiệp phức tạp giữa các nước lớn trong đàm phán đa phương vì lợi ích chiến lược của mình, dẫn đến các dàn xếp luôn bất lợi cho các nước nhỏ.

Đó là những bài học rút ra từ Hội nghị Genève. Sau này, chúng ta đã vận dụng để góp phần tạo nên thành công cho đàm phán Việt - Mỹ tại Hiệp định Paris năm 1973.

Tin cùng chuyên mục