Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, đại diện gia đình các thành viên đoàn đàm phán...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cách đây đúng 70 năm, ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Genève (Thụy Sỹ), trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Nghiên cứu về Hội nghị Genève luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự và các nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nước và ngoài nước trong suốt 70 năm qua.
Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã để lại 5 bài bài học kinh nghiệm quý báu về đối ngoại.
Thứ nhất, đó là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi của Hiệp định Genève là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đó là phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Diễn biến của Hội nghị Genève đã phản ánh thực tế so sánh lực lượng trên chiến trường với các thắng lợi quan trọng. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”.
Thứ ba, đó là giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết. Đây là bài học mang tính nguyên tắc của nền ngoại giao Việt Nam.
Thứ tư, đó là quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nguyên tắc bất biến là giữ vững độc lập, tự chủ, kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất trọn vẹn; ứng vạn biến là mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong những tình huống cụ thể để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thứ năm, đó là phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Genève là chiến thắng của sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế.