Trước đó, chủ trì Hội nghị Cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán RCEP lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Tôi rất vui mừng rằng, sau 8 năm làm việc đầy khó khăn, đến hôm nay chúng ta kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết hiệp định nhân Hội nghị ASEAN lần thứ 37".
Một khi đi vào thực thi, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 nước tham gia chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu và hơn 2,2 tỷ dân, vượt xa các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc ký kết RCEP được coi là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào tạo lập cấu trúc thương mại mới khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do Covid-19, cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia thương mại quốc tế, RCEP thậm chí còn mang lại cơ hội lớn hơn cả CPTPP, bởi lẽ với CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may (do quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc). Tham gia RCEP, Việt Nam được giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất; một số thị trường dịch vụ rộng mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn.