Hôm nay 2-11, theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan và thảo luận ở tổ về: việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Trao đổi với phóng viên báo SGGP, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, theo dự kiến, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12-11 tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc làm việc cụ thể hơn với cộng đồng quốc tế về vấn đề này.
PV: Thưa ông, nếu được Quốc hội phê chuẩn, các công việc tiếp theo sẽ là gì để có thể tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Cũng giống như khi chúng ta chuẩn bị tham gia WTO và các hiệp định thương mại tự do khác, việc chuẩn bị càng cẩn thận, càng chủ động thì càng dễ tận dụng được những mặt thuận lợi mà Hiệp định mang lại. Về phía Nhà nước, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống thể chế tương thích và tăng cường truyền thông đến doanh nghiệp, người dân về các quy định đó.
Không phải đến bây giờ yêu cầu hoàn thiện thể chế để hội nhập thành công mới được đặt ra, mà ngay từ khi đàm phán TPP và xa hơn nữa là WTO. Vậy chúng ta đã chuẩn bị về thể chế như thế nào, thưa ông?
Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã ưu tiên lựa chọn những dự án luật để nội luật hoá các quy định trong CPTPP nói riêng và các FTA nói chung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định danh mục 8 dự án luật phải làm để thực hiện CPTPP. Tôi cho rằng nhìn chung hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có gì vướng mắc cho việc thực hiện CPTPP. Quan trọng hơn là việc thông tin tuyên truyền để cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu được nội hàm, các nội dung, các quy định của CPTPP để tự chuẩn bị cho chính mình. Chúng ta cần có thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết về lao động, về sở hữu trí tuệ… nhưng cũng không quá quan ngại, vì CPTPP xác định lộ trình thực hiện 3-5 năm.
Như vậy, có phải theo ông điều quan trọng là phải hiểu rõ các lợi ích cũng như thách thức mà Hiệp định mang lại?
Có ý kiến cho rằng việc Việt Nam tham gia các FTA chưa đem lại nhiều hiệu quả như có thể, ông nghĩ sao?
Có một thực tế đáng lưu ý là từ khi tham gia các FTA, doanh nghiệp ta phải tham gia vào các tranh chấp pháp lý quốc tế nhiều hơn và đa phần là… thua. Ông nghĩ sao về việc này?
Tại phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi cũng đã phát biểu điều này. Phải làm sao để có được đội ngũ tư vấn, chuyên gia pháp lý tinh thông pháp luật quốc tế, đủ bản lĩnh, đủ khôn khéo để tham gia vào các vụ kiện quốc tế, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng suy cho cùng thì yếu tố quyết định vẫn là doanh nghiệp. Phải hiểu rõ luật chơi trong quá trình hợp tác với nước ngoài mới tránh được sai sót, vi phạm ngay từ đầu, chứ việc xảy ra rồi thì kể cả các chuyên gia giỏi cũng khó lòng đảm bảo thắng kiện được.
Xin cảm ơn ông!