Cam kết mở cửa trên nhiều lĩnh vực
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), do tiếp nối gần như toàn bộ nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên CPTPP tiếp tục là một FTA thế hệ mới hơn, với các cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như các tiêu chuẩn cao về quy tắc bao trùm nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Thậm chí, CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài WTO như mua sắm công, lao động, môi trường.
Với đặc điểm như vậy, CPTPP dự kiến sẽ mang lại những cơ hội lớn và vượt trội so với các FTA mà chúng ta đang có hiện tại; tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru. Ngay với cả các đối tác mà Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Australia, New Zealand… thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội mới, lựa chọn mới cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.
Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất sẽ mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn. CPTPP cũng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.
Mặc dù vậy, CPTPP thiếu mất một thành viên quan trọng là Mỹ nên những kỳ vọng mà Việt Nam mong chờ nhất từ thị trường Mỹ là không hiện thực. Tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam vì vậy cũng giảm hơn so với TPP, nhất là cơ hội về thuế quan ở thị trường khổng lồ này.
Đối mặt không ít khó khăn
Đánh giá tác động về kinh tế của CPTPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32% (tương đương 1,7 tỷ USD) và có thể tăng tới 2,01% - nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt là phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một hiệp định được coi là tiến bộ nhất. Để vận hành bộ máy tốt, cần phải có sự đồng bộ từ con người, hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích cũng như đội ngũ DN đủ mạnh. Đây là khối lượng công việc rất lớn và phức tạp nên cần phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội mới có thể làm được. Nói cách khác, vấn đề quan trọng và mang tính quyết định trong hội nhập vẫn là cơ chế, chính sách.
Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế, thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, thủy hải sản, từ đó mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề. Theo nghiên cứu, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.
Bên cạnh những lợi thế, việc thực hiện CPTPP sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước, trên cả 3 cấp độ là sản phẩm, DN và quốc gia. Những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả, có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm. Quá trình cải cách thể chế trong nước chậm, có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, sẽ cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội từ hiệp định mang lại.
Điều quan trọng, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà. Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP, khả năng thích nghi của DN Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa có thể sẽ gia tăng, nhất là ở một số lĩnh vực như nông nghiệp - chăn nuôi công nghệ cao…
Hội nhập đồng nghĩa mở cửa thị trường, hàng hóa của các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành các rào cản thương mại để hỗ trợ cho DN trong nước. Sau 10 năm gia nhập WTO, chúng ta vẫn chưa có những cuộc họp sơ kết, tổng kết đánh giá bài bản những gì làm được và chưa làm. Tại TPHCM, nhiều cơ chế, chính sách TP kêu gọi phía Trung ương hỗ trợ nhưng phản hồi còn rất chậm... Những điều này rất đáng suy ngẫm, để kéo giảm sự thiệt hại trong tiến trình hội nhập.