Nhiều mặt hàng của Việt Nam trong danh sách hưởng lợi
Báo cáo đánh giá tổng quan về khía cạnh tài chính cho thấy, 11 quốc gia thành viên CPTPP với 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 10.000 tỷ USD, chiếm trên 13% toàn cầu. 10 nước CPTPP chiếm 15,84% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. CPTPP cũng là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của Việt Nam với Peru, Canada và Mexico, trong đó Canada, Mexico là các nền kinh tế lớn thứ 11 và 14 trên thế giới.
Đối với các cam kết cắt giảm thuế quan, theo ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), trong các quốc gia thành viên thì Singapore là nước cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay sau khi thực hiện CPTPP. Riêng với Nhật Bản (nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới) và Chile, cam kết cắt giảm thuế quan cao hơn rất nhiều so với các FTA song phương đã có với Việt Nam. Tính chung, 100% biểu thuế của các thành viên CPTPP sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Với các nước phát triển, lộ trình này là 7 năm; nhưng Việt Nam được ưu tiên kéo dài hơn, khoảng 10 năm, để phù hợp với điều kiện phát triển.
Với CPTPP, toàn bộ hàng công nghiệp sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Việt Nam về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (như Canada, Nhật Bản). Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, cao su… của Việt Nam cũng nằm trong danh sách được hưởng lợi ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, hoặc sau 3 - 5 năm.
Về phía Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó 65,8% số dòng thuế sẽ về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực; 85,5% về 0% vào năm thứ 4; 97,8% về 0% vào năm thứ 11; các mặt hàng còn lại (được xem là nhạy cảm) cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lịch trình tối đa vào năm thứ 16, hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Cụ thể, ở nhóm hàng công nghiệp như ô tô, sẽ bỏ thuế vào năm thứ 13 với các loại ô tô mới và về mức 0% sau 16 năm; sắt, thép, xăng dầu chủ yếu xóa bỏ vào năm thứ 11; nhựa và các sản phẩm từ nhựa xóa bỏ vào năm thứ 4; dệt may và giày dép xóa bỏ ngay khi CPTPP có hiệu lực...
Ở nhóm các mặt hàng nông nghiệp và thủy sản, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 đối với thịt gà; với thịt heo tươi vào năm thứ 10 và thịt đông lạnh vào năm thứ 8; gạo xóa bỏ ngay khi CPTPP có hiệu lực; bắp xóa bỏ vào năm thứ 5; thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ từ năm thứ 8 đến năm thứ 11; chế biến thủy sản vào năm thứ 5…
Cần sự chủ động từ nhiều phía
Bên cạnh những lợi thế, CPTPP sẽ đưa đến những thách thức không nhỏ. Theo ông Hà Duy Tùng, thách thức lớn nhất là thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất tạo ra hàng hóa trong nước sẽ gặp những khó khăn nhất định. Mặt khác, các doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Nhìn vào các vụ kiện chống bán phá gần đây, cho thấy ngoài việc giá bán thấp thì còn một nguyên nhân là do các chính phủ tăng cường trợ cấp cho sản xuất của các DN để nâng tính cạnh tranh, đã đẩy số lượng các vụ kiện ngày càng tăng nhanh.
Ở nhóm các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, thì lại rơi vào bảo hộ, hoặc các nước cam kết giảm thuế mạnh, nhưng lại không thể xuất khẩu một cách dễ dàng vì hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng tốt hàng rào kỹ thuật của họ…
Phân tích sâu hơn về những thách thức, cơ hội cho Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho rằng trong tương lai, rất có thể cả Mỹ và Anh sẽ tham gia CPTPP, nên cần có tầm nhìn dài hạn. Điều khiến ông Khanh lo lắng, cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ câu hỏi, hoặc tìm hiểu cam kết gì về CPTPP từ phía các DN cũng như các địa phương. Việc chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để thực hiện là cần thiết, vì nhiều khả năng CPTPP sẽ có hiệu lực rất nhanh do không có Mỹ tham gia.
Trên thực tế, hầu hết các nước đều cam kết sẽ phê chuẩn vào cuối năm nay, nên có thể CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019. Điều này cũng đồng nghĩa, CPTPP sẽ tác động ngay đến các DN cũng như nền kinh tế Việt Nam. Với các cơ quan chính quyền, cần tìm hiểu kỹ về các cam kết của Việt Nam để thực thi chính xác, hiệu quả. Với các DN cần hiểu rõ cam kết của các nước để xác định lợi thế của mình, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.