Rủi ro lớn, giá vẫn tăng
Nếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đòi hỏi nhiều điều kiện như phải lãi nhiều năm, công bố thông tin minh bạch… thì sàn UPCoM có thủ tục đăng ký và nghĩa vụ công bố thông tin đơn giản hơn. Do vậy, sự đầu tư trên sàn UPCoM ẩn chứa nhiều rủi ro. Trên sàn UPCoM thường xuyên có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế đến mức bị hủy niêm yết, cũng tự động đăng ký giao dịch. Trên hệ thống giao dịch UPCoM cuối tháng 8-2019, có số lượng cổ phiếu bị đưa vào danh sách cảnh báo đã lên đến 128 mã (gồm 105 mã bị hạn chế giao dịch và 11 mã bị đình chỉ giao dịch), chiếm 15% số cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Thế nhưng, ngạc nhiên là từ đầu năm đến nay, tính thanh khoản của UPCoM vẫn khá tốt. Nếu sàn niêm yết HOSE chỉ có 22 mã tăng trên 50%, sàn niêm yết HNX có 31 mã tăng trên 50% thì sàn UPCoM lại có tới 98 mã đạt mức tăng giá trên 50%. Tỷ lệ cổ phiếu tăng giá nhìn chung khá cao. Nếu HOSE có 42% số cổ phiếu niêm yết tăng giá, HNX có 35% số cổ phiếu tăng giá thì UPCoM có đến 37% số cổ phiếu tăng giá - cao hơn cả HNX. 8 tháng đầu năm 2019, trong khi HNX-Index giảm 3,17% (VN-Index tăng 9,14%) thì UPCoM-Index tăng đến 7,44%, mặc cho những diễn biến xấu của thị trường tài chính quốc tế làm ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cơ hội từ chính sách
Nếu xét về số lượng, UPCoM là sàn giao dịch đem lại nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư, với số cổ phiếu tăng giá lên đến gần 300 mã. Trong đó có đến 98 cổ phiếu đạt mức tăng trên 50%, tính từ đầu năm 2019 đến nay, chưa bao gồm những cổ phiếu đăng ký giao dịch mới trong năm, cao hơn so với HNX (31 cổ phiếu) và HOSE (22 cổ phiếu). Đặc biệt, UPCoM có tới 45 mã đạt mức sinh lời trên 100%.
Câu hỏi đặt ra là vì sao sàn UPCoM “vàng thau lẫn lộn”, ẩn chứa nhiều rủi ro khi có hàng trăm cổ phiếu bị hạn chế hoặc đình chỉ giao dịch do vi phạm các nghĩa vụ công bố thông tin, lỗ vượt vốn điều lệ… mà UPCoM vẫn thu hút được nhiều người tham gia đầu tư? Nguyên nhân chính yếu là nhiều công ty có quy mô vốn hóa lớn, khả năng sinh lợi cao, nhưng chưa muốn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nên “ẩn nấp” trên UPCoM. Hiện nay cũng có một số mã “hot” đang “cư ngụ” trên sàn UPCoM như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR)…
Hiện UPCoM có 851 cổ phiếu, trong đó có 844 mã được phép giao dịch, số cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM nhiều hơn tổng số cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết. Từ đầu năm đến nay đã có trên 60 cổ phiếu đăng ký giao dịch mới, gấp hơn 4 lần số cổ phiếu niêm yết mới trên sàn HOSE và HNX. Sàn UPCoM ngày càng hấp dẫn và đa dạng là nhờ vào quy định của các thông tư, nghị định buộc doanh nghiệp đã đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kể cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
Do vậy, nếu nhà đầu tư có tìm hiểu sâu thì sẽ dễ dàng phát hiện những mã mới. Chính việc thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành đã giúp UPCoM trở thành điểm đến của nhiều dòng tiền đầu tư. Ngoài ra, với số lượng cổ phiếu đăng ký và biên độ giao dịch vượt trội so với 2 sàn niêm yết HOSE và HNX, UPCoM có sức hấp dẫn và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.