Đến chiều 14-10, mũi tìm kiếm theo hướng tiếp cận từ tỉnh lộ 11B (xã Phong Xuân) đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở núi là Trạm bảo vệ rừng 67 (cách Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 hơn 2km), nơi đoàn cứu hộ 21 người (trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4; các lãnh đạo Cục, Phòng, Tham mưu trưởng, Đại đội trưởng… của Quân khu 4; lãnh đạo, cán bộ Tỉnh đội Thừa Thiên – Huế; ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, mới được bổ nhiệm chức vụ 45 ngày; một phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Đường từ trung tâm xã Phong Xuân vào hiện trường khoảng 30km, với hàng chục điểm sạt lở, ngầm nước chảy xiết, rất nguy hiểm. Nhiều điểm sạt lở nặng kéo dài cả trăm mét, với khối lượng đất đá đổ xuống lớn, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.
Để tiếp cận hiện trường, Bộ Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn huy động hàng trăm xe cơ giới, xe đặc chủng để mở đường, lội bùn đất ngập ngang đầu gối.
Khi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở núi ở Trạm bảo vệ rừng 67, khung cảnh đổ nát kinh hoàng. Hiện trường vụ sạt lở rộng khoảng 5.000m2, khắp nơi ngổn ngang bùn, đất đá, xác cây rừng đan chéo vào nhau. Khu nhà điều hành không còn dấu tích gì vì bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp.
Giữa đống đổ nát của vụ sạt lở, đơn vị tìm kiếm phát hiện vài chiếc máy xúc đang nằm trơ sắt, hư hỏng nặng. Trong đó, một số máy xúc vẫn hoạt động được và đang nỗ lực đào bới đất đá, dọn xác cây rừng để tìm kiếm người mất tích.
Nhiều phương án khác để tìm kiếm các nạn nhân đã được thực hiện như bay flycam, lội bộ tìm kiếm…, nhưng đến chiều tối cùng ngày (14-10) vẫn chưa phát hiện thêm thi thể nào.
Theo nhận định tại hiện trường, rất có khả năng còn các thi thể ở bên dưới hàng ngàn khối đất đá hoặc đã trôi dạt ra các lòng hồ thủy điện. Đến khoảng 17 giờ, lực lượng cứu hộ phải tạm dừng do các nhà máy thủy điện xả nước qua đập, trời tối…