Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 Nguyễn Thành Phát, 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 gồm: Tuyến đường Hoàng Sa (phường Tân Định), tuyến đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), tuyến đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), tuyến đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), tuyến đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), tuyến đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), tuyến đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Để thuận lợi trong việc tìm kiếm, xác định và đăng ký sử dụng một phần hè phố để kinh doanh, người dân có thể thực hiện việc đăng ký thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1". Phần mềm giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số phố.
Bên cạnh đó, quận 1 cũng triển khai ứng dụng thu phí, lệ phí trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước, ưu tiên không dùng tiền mặt.
Nội dung trên của quận 1 được triển khai theo Quyết định 32 của UBND TPHCM ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, có hiệu lực từ 1-9-2023. Theo Quyết định 32, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị... Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ.
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Qua ghi nhận, hầu hết các tuyến đường đã được địa phương sơn kẻ vạch quy định rõ phần vỉa hè được sử dụng để kinh doanh, mua, bán và phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Ngay trong sáng 9-5, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận hiện trạng các tuyến đường thuộc 11 tuyến đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hoá. Hầu hết các tuyến đường đã được địa phương sơn kẻ vạch quy định rõ phần vỉa hè được sử dụng để kinh doanh, mua, bán và phần vỉa hè dành cho người đi bộ.