Chấp nhận thực trạng yếu kém, trì trệ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước kéo dài hàng chục năm qua, trong nhiệm kỳ Chính phủ lần này, hàng loạt hành động quyết liệt vẫn tiếp tục được đưa ra nhằm mục tiêu hiện thực hóa thương hiệu ô tô “Made in VietNam” trong tương lai. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ lần này phải phù hợp với thông lệ quốc tế, không vi phạm pháp luật và không phải bao cấp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 6 vừa qua, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Toyota Việt Nam
Nội dung tuyên bố có điểm đáng chú ý là phía Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Còn Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, phù hợp với Hiệp định Thương mại tự do (WTO), với mục đích duy trì và mở rộng việc sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) như một ưu tiên hàng đầu.
Qua đó, hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm 2017. Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tuyên bố này được xem là đòn bẩy giúp Việt Nam lạc quan, hiện thực hóa ngành công nghiệp mang thương hiệu ô tô “Made in Viet Nam” trong tương lai.
Không chỉ đưa ra lời tuyên bố, mà ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức, trong các chuyến công tác và làm việc với các đối tác nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, cũng như trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là cần thiết, cấp bách. Thủ tướng nêu rõ quan điểm, sản xuất ô tô không chỉ đơn thuần làm ra chiếc ô tô mà còn là thương hiệu quốc gia, nhất là với quốc gia đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, chủ trương của Việt Nam là sản xuất ô tô thành công theo chiến lược mà Thủ tướng đã phê duyệt. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, tính toán phân khúc thị trường để chọn các dòng xe thế mạnh của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, sản xuất các phụ tùng ô tô quan trọng, tiến tới sản xuất động cơ ô tô và các sản phẩm cơ khí khác.
Cùng với đó, tính toán để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ASEAN và xa hơn. Doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp, liên kết với các nhà sản xuất khác, phân công sản xuất, nâng cao hiệu quả cùng có lợi. Lưu ý, trong hội nhập quốc tế, doanh nghiệp cần đặt ra bài toán có thể tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô. Đồng thời, chủ động sản xuất, bảo vệ và phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước, tránh tình trạng nhập khẩu ô tô cũ. Vì như thế có thể khiến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới về ô tô cũ.
Nhằm tạo điều kiệm thúc đẩy phát triển ngành ô tô nội địa, mới đây Thủ tướng đã giao Bộ Công thương thành lập tổ công tác để rà soát và đề xuất chính sách phát triển, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách đó phải trên tinh thần phù hợp với thông lệ quốc tế, không vi phạm pháp luật, không bao cấp. Dù vây, đây được xem là những “ưu ái” quá tay cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, vốn từ trước đến nay luôn bị mang tiếng “nuôi hoài không lớn”!