Nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp là vấn đề được nêu từ lâu, chính quyền thành phố cũng nhiều lần mời gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhưng chuyển mình còn khá chậm.
Trong 5 năm (2016-2020), TPHCM phát triển được gần 15.000 nhà ở xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Tính đến năm 2020, thành phố có hơn 18.000 nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra là 20.000 căn. Hiện còn 49 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với gần 30.000 căn, chủ yếu tập trung ở khu nội thành và 5 huyện ngoại thành. Để có 1 triệu căn nhà giá rẻ thì phải tăng năng lực xây dựng lên hàng chục lần.
Để người nghèo, người thu nhập thấp sở hữu được căn nhà hợp pháp, tránh đầu cơ đẩy giá nhà lên cao, ngoài việc xây dựng nhà ở diện tích nhỏ từ 25-50m2, giá mềm, thì chính sách hỗ trợ đi kèm cần thuận tiện như vay ưu đãi, trả góp qua lương, bảo lãnh hỗ trợ của công đoàn…
Cùng với đó, cần rà soát chuyển mục đích sử dụng tạo quỹ đất sạch, quy hoạch lại hạ tầng cơ sở xây chung cư, nhà giá rẻ gắn với các khu vực tập trung NLĐ thu nhập thấp, công nhân các KCN-KCX… Sau đó, kêu gọi đầu tư với ưu đãi miễn thuế, hỗ trợ vay lãi suất thấp. Xây dựng quy trình thực hiện với thủ tục tinh gọn, công khai, minh bạch trên tinh thần hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và hoàn thành đưa vào sử dụng. Cần có doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trên địa bàn. Mặt khác, quy hoạch KCN-KCX phải dành phần đất làm nhà ở cho công nhân, NLĐ.
Quỹ phát triển nhà thành phố hiện chỉ cho công chức, người hưởng lương ngân sách được vay ưu đãi để mua nhà ở. Nếu áp dụng thêm cho người thu nhập thấp, công nhân thì cơ hội sở hữu căn nhà giá rẻ với những đối tượng này càng cao. Tuy thu nhập thấp nhưng việc làm ổn định, người có hợp đồng lao động không thời hạn với doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện mua nhà trả góp.