Chiến lược ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (NNCNC) đã được tỉnh Tây Ninh triển khai tương đối đồng bộ và đến nay đã áp dụng cho hầu hết các sản phẩm chủ lực như: lúa, rau, cây ăn trái, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm. Các giải pháp công nghệ đã giúp giải phóng đáng kể sức lao động và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước vươn rộng ra thị trường nước ngoài, đáng kể là hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt. Với việc liên tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân sản xuất nông nghiệp, trong năm 2023, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của ngành đạt 21.725 tỷ đồng (tăng 856 tỷ đồng so cùng kỳ), đóng góp 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Cùng đó, đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân; những vùng đất phèn, chua trước đây đã hình thành nên nhiều vườn rau xanh mướt hay trại chăn nuôi heo, bò khép kín.
Trong ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS), đến nay, tại Tây Ninh đã có 194 tổ chức, cá nhân tham gia và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở sản xuất cây ăn trái; hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Mỹ, Australia, New Zealand và Trung Quốc; trong đó có 21.289 tem được kích hoạt, tương đương 25,5 tấn sản phẩm được truy xuất.
Dù vậy, với xuất phát điểm thấp, quy mô sản xuất nhỏ, đang có nhiều thách thức đặt ra với nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, như việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao còn nhỏ lẻ, số lượng còn khiêm tốn, việc hình thành các vùng sản xuất NNCNC chưa đạt như kỳ vọng.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tỉnh đã xây dựng đề án Vùng sản xuất NNCNC, dự kiến đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây rau tăng lên khoảng 23.640ha, sản lượng 440.000 tấn/năm, cùng đó là đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp sơ chế và chế biến. Hiện Tây Ninh đang xây dựng đề án Vùng sản xuất NNCNC tại huyện Tân Châu làm cơ sở mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, kỳ vọng đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng Tây Ninh xanh, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân đúng như quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.