Nhìn xa ngẫm ta
Mô hình một khu vực được hưởng những quy chế đặc biệt thực ra đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm với sự hình thành các “cảng tự do” đầu tiên ở Ý vào năm 1547 và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18.
Nhưng phải vào năm 1942, mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên mới được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ). Cùng với thời gian, tính đến năm 2016 đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia, góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp.
Lẽ dĩ nhiên, trong hàng ngàn khu đó, đã có những thành công và cả thất bại. Nghiên cứu các mô hình thành công, nhiều chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đã có sự điều chỉnh linh hoạt chính sách theo hướng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Đảo ngọc Phú Quốc đang vươn mình trở thành Đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù. Ảnh: THÁI HÒA
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đặc khu kinh tế đều được giao thẩm quyền mạnh mẽ theo hướng “một cửa, tại chỗ”. Ngược lại, thực tế cũng chỉ ra rằng, việc thể chế kinh tế và hành chính của các đặc khu kinh tế không có sự vượt trội rõ rệt hoặc chỉ tập trung ưu đãi về thuế và đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ dựa vào ngân sách nhà nước (để bù lại những bất lợi về vị trí địa lý hay kết cấu hạ tầng kém phát triển) là không hiệu quả. Đây là trường hợp ở nhiều nước châu Phi (như Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Congo, Nam Phi), châu Á (Pakistan, Ấn Độ) và cả châu Âu (Ukraine, Moldova)…
Nếu đối chiếu những quy định trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình ra kỳ họp thứ 4 - kỳ họp cuối năm 2017 của Quốc hội với những chính sách được các nước đang áp dụng cho đặc khu của mình, thì những ưu đãi dành cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc chỉ ở cấp độ 1 - thấp nhất trong 3 cấp độ.
Theo đó, đặc khu được Chính phủ trao quyền tự chủ cao hơn, linh hoạt hơn các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành quy định cho cả nước. Chính quyền đặc khu được trao quyền điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Đặc khu được hưởng những quy chế, chính sách mang tính chất ưu đãi đặc biệt, nhất là chính sách miễn thuế để thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Định hình ưu đãi
Tại nghị trường kỳ họp thứ 4 của Quốc hội hồi tháng 11-2017, những “đặc biệt” được trao cho đặc khu đã “trúng” chưa là một trong những vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất. Và không giới hạn ở nghị trường, các nhà khoa học vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm rất khác nhau.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ bình luận: “Cái cần chưa có, cái có lại chưa thực sự cần hoặc không hợp lý và nhìn chung là chưa đạt được mức dẫn đường cho đặc khu phát triển”.
Chẳng hạn, dự thảo luật đã cho phép thế chấp bằng tài sản trên đất, nhưng lại chưa cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, trong khi hoàn toàn có thể cho phép điều này, bởi quyền sử dụng đất cũng chỉ có thời hạn.
Trong khi đó, ông Võ lại không đồng tình với chính sách ưu đãi lớn về tiền sử dụng đất. “Đã sử dụng đất thì phải trả tiền sòng phẳng, chứ nếu không, có thể dẫn đến tình trạng bê trễ, sử dụng đất không hiệu quả; găm đất chờ thời”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Trong khi đó, nhận định về ưu đãi thuế, vốn được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo nên sức bật cho các đặc khu, TS Võ Trí Thành lại cảnh báo: “Ưu đãi thuế không phải là nhân tố có ý nghĩa quan trọng nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài và trong nhiều trường hợp tạo ra sự phiền toái không cần thiết”.
Điểm nhấn đột phá thể chế ở đây, theo ông Thành, là những chính sách ở 3 khía cạnh. Đó là mức độ tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và các nguồn lực; là tính mạnh mẽ, kịp thời và thuận lợi trong quyết định và thực thi (kể cả xử lý tranh chấp) của bộ máy chính quyền với những con người chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện; là một hệ thống động lực, khuyến khích có ý nghĩa trong dài hạn…
Dù đã có không ít những khu kinh tế, khu chế xuất, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu hành chính - kinh tế thực sự. Luật Hành chính - kinh tế đặc biệt, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau, liệu có giúp hiện thực hóa giấc mơ tạo ra động lực tăng trưởng mới hay không? Hy vọng các nhà lập pháp có đầy đủ thông tin và tỉnh táo, sáng suốt để vừa tiếp thu được những ý kiến quý báu từ nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm thực tế, vừa không rơi vào tình cảnh “nghe góp một ý lại lùi lại một tý” - nói như GS-TSKH Đặng Hùng Võ.