Hiện thực hóa công nghệ 5G

Cùng với việc hoàn tất lộ trình tắt sóng 2G, ngày 15-10 đánh dấu cột mốc quan trọng của viễn thông Việt Nam khi lần đầu tiên mạng 5G chính thức cung cấp dịch vụ thương mại. Mạng 5G hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Bước tiến mới của các nhà mạng

Tập đoàn Viettel vừa trở thành nhà mạng di động đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thương mại dịch vụ 5G với hơn 6.500 trạm thu phát sóng (BTS), phủ sóng 100% khu vực của 63/63 tỉnh, thành phố. Hiện người dùng có thể trải nghiệm 5G miễn phí của nhà mạng này bằng cách soạn tin nhắn TN5G gửi 191 hay đăng ký các gói cước…

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết, với việc làm chủ nhiều hệ thống mạng lõi quan trọng, Viettel đã đưa Việt Nam gia nhập tốp 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, chỉ sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc ra mắt dịch vụ 5G là một mốc mới minh chứng mạnh mẽ cho hành trình tiên phong, bứt phá về di động của Việt Nam.

Q1a.jpg
Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam công bố thương mại hóa 5G

Với khách hàng của VNPT, từ ngày 13-10 đến 15-11, người dùng mạng VinaPhone có máy điện thoại 5G sẽ được tham gia chương trình trải nghiệm 5G siêu tốc miễn phí (50GB Data, sử dụng trong 30 ngày). Theo đó, khi hoạt động tại các khu vực đã có sóng 5G, thuê bao VinaPhone sẽ nhận được tin nhắn thông báo mời trải nghiệm dịch vụ miễn phí.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm đảm bảo phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc. VinaPhone 5G hứa hẹn sẽ mang đến tốc độ truy cập nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G, cùng với độ trễ thấp giúp cải thiện trải nghiệm sử dụng internet di động, chơi game trực tuyến và các ứng dụng thông minh khác, với hiệu suất cao nhất.

Trong khi đó, với MobiFone, sau khi giành quyền sở hữu khối băng tần C3 (3.800-3.900MHz) vào tháng 7-2024, đơn vị này đang tập trung hoàn thiện hạ tầng và chuẩn bị cho việc thương mại hóa 5G. Đại diện nhà mạng này cho biết, khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ 5G vào tháng 11-2024. MobiFone đang triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp, giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng, đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Thúc đẩy phát triển dịch vụ công

Theo Bộ TT-TT, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 5G trong các ngành là yếu tố tiên quyết để triển khai toàn diện 5G tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng, nghiên cứu ứng dụng 5G phù hợp đặc thù ngành, từ đó chung tay cùng các doanh nghiệp viễn thông sáng tạo, áp dụng các giải pháp 5G vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Mặt khác, 5G cũng giúp thúc đẩy nhiều lĩnh vực, như: chế tạo, quản lý giao thông thông minh, quản lý năng lượng, xây dựng và khai thác mỏ, giáo dục số hóa, chăm sóc sức khỏe từ xa, bán lẻ thông minh và thành phố thông minh...

Q4b.jpg
Công nghệ 5G mở ra nhiều dịch vụ mới như thực tế ảo tương tác trên thời gian thực. Ảnh: TẤN BA

Theo ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), với tốc độ kết nối siêu nhanh và ổn định, 5G sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số và số hóa toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Với việc các nhà mạng Việt Nam đã và đang triển khai dịch vụ 5G, người dân sẽ được trải nghiệm dịch vụ công một cách nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại hơn bao giờ hết. “Việc triển khai dịch vụ công nghệ 5G không chỉ góp phần giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả mà còn mang đến một cuộc sống số tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân”, ông Scott Minehane chia sẻ.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT) cho thấy, dự báo đến năm 2025, công nghệ 5G đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP. Với 403 khu công nghiệp (có thể tăng lên 558 khu công nghiệp vào năm 2030), 5.000 điểm khai thác mỏ, 34 cảng biển, 22 sân bay (10 sân bay quốc tế) trên cả nước... chính là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông tập trung cung cấp dịch vụ 5G.

Do đó, các nhà mạng cần sớm triển khai giải pháp cung cấp hạ tầng kết nối, công nghệ thông tin trên công nghệ 5G ở các khu vực nói trên để tận dụng ưu thế của 5G. Hơn nữa, Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã đặt mục tiêu người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, thuận tiện, dễ dàng, không giấy tờ và không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số được xác định phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn để từ đó phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Vì vậy, 5G cũng cần thể hiện mạnh mẽ vai trò kết nối để phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.

Viettel đã tung ra 19 gói cước cho người dùng cá nhân, trong đó 11 gói trả trước và 8 gói trả sau. VNPT và MobiFone chưa công bố thời gian triển khai công nghệ di động thế hệ mới này dù VNPT đang cho trải nghiệm dùng thử 5G ở nhiều tỉnh thành.

Theo đó, các gói cước của Viettel được tính theo tháng, với chi phí từ 135.000-480.000 đồng cho người dùng trả trước và từ 200.000-2 triệu đồng cho người dùng trả sau. Mỗi gói cung cấp các quyền khác nhau, ngoài dung lượng internet còn có ưu đãi khác, như khi gọi điện thoại nội và ngoại mạng, truy cập mạng xã hội hoặc tiện ích xem truyền hình, lưu trữ.

Nếu so sánh với gói cước 4G thì gói 5G có giá cao hơn, như gói 5G thấp nhất giá 135.000 đồng/tháng, cao gần gấp đôi mức 70.000 đồng/tháng của gói 4G, nhưng dung lượng nhiều gấp 8 lần, kèm nhiều tiện ích…

Tin cùng chuyên mục