Nếu ở cuộc thi lần 6, Văn học tuổi 20 trở thành nơi cho các tác giả trẻ thử nghiệm bằng những yếu tố kỳ ảo, giả tưởng, huyền ảo, xuyên không… thì đến lần thứ 7 này, có thể thấy các tác phẩm đa phần tập trung khai thác hiện thực của đời sống.
Kẻ săn chuột là truyện dài đầu tay của tác giả trẻ Phã Nguyện (24 tuổi, hiện đang sống tại TPHCM). Mượn yếu tố hình sự, tác phẩm đã tái hiện cuộc sống của những cư dân xóm Đèn Dầu với công việc mưu sinh đầy bất trắc từ các bãi rác gần đó. Đã có những người không chịu an phận bởi cuộc sống nghèo túng, rời bỏ xóm đến những nơi tốt hơn; cũng có những cô gái bỏ đi biệt xứ…
Phã Nguyện mang đến cho người đọc những suy tư về tội ác, sự vô cảm của con người trong xã hội hiện đại. Nhưng trên tất cả, điều ý nghĩa nhất mà tác phẩm mang lại chính là thông điệp về tình người.
Đinh Thành Trung (37 tuổi, hiện đang sống và viết tự do tại Hà Nội) mang đến tập truyện ngắn Bí mật của bóng tối. Dù chỉ với 10 truyện ngắn nhưng tác phẩm đã cho thấy một đời sống đầy sinh động với những góc khuất khác nhau: một đứa con trai thuộc thành phần “phá gia chi tử” khiến người cha già phải lãnh hậu quả; một tên đồ tể hành nghề hạ heo giằng co giữa dục vọng và nỗi ám ảnh của những sinh linh vô tội; một cậu trai đã từng là một sinh viên giỏi, giờ trở thành công nhân sống bệ rạc, lay lắt bên cạnh một bà già từng phải chịu nhiều bi ai…
Trong số 3 tác giả xuất hiện trong đợt này, Mai Thanh Nga là trường hợp đặc biệt hơn cả. Là kỹ sư viễn thông, từng sống ở Paris (Pháp) trước khi chuyển đến sống và làm việc tại Anh, chị cũng là tác giả của một số đầu sách như Chộn rộn xứ người, Trái tim trên những con đường, Paris trong hộp giày, 3,1kg hạnh phúc. Hấp thụ trong những không gian văn hóa khác nhau nên tập truyện ngắn Lũ chim thích chọn cành khô của chị được viết chắc tay, gợi nên nhiều thú vị cho người đọc.
Với 13 truyện ngắn, bằng nỗ lực và sự nhạy cảm của mình, Mai Thanh Nga mang đến kiểu nhân vật toàn cầu, từ Việt Nam đến Anh, Pháp… Chị để cho những nhân vật của mình cựa quậy, khóc cười, đi và sống… bằng lối tư duy hiện đại và mới mẻ.
Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là hành trình tìm kiếm bản sắc và căn cước của chính mỗi người, như một đúc kết trong Rau muống ngoài vườn - một truyện ngắn giản dị nhưng đầy xúc động: “Người ta có thể không có gia đình, nhưng phải có quê hương. Tình thương dành cho vùng đất mình sống phần lớn đời mình, còn lớn hơn cả tình thương dành cho người mình sống phần lớn cuộc đời”.