Theo tạp chí The Diplomat, các thăm dò gần đây cho thấy 75% người dân Ấn Độ được hỏi đã đánh giá cao thành tích lãnh đạo của Thủ tướng Modi. Giải thích về kết quả này, chuyên gia quan hệ quốc tế Akhilesh Pillalamarri đưa ra 3 lý do chính.
Thứ nhất, dưới thời Thủ tướng Modi, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Hơn một nửa dân số đã được kết nối với internet, hệ thống đường cao tốc đã tăng gấp đôi và một mạng lưới đường sắt bán cao tốc được xây dựng.
Nhiều chính sách của đảng BJP và Thủ tướng Modi còn cải thiện khả năng tiếp cận hạ tầng thiết yếu cho người dân như nhà vệ sinh và nước máy. Đây chính là điểm mà đảng đối lập Quốc đại đã thất bại trong việc mang lại những lợi ích cốt lõi cho tầng lớp trung bình của Ấn Độ.
Thứ hai, BJP đã thành công trong việc gắn kết Ấn Độ thành một quốc gia, một dân tộc. Trong đó, quyết định bãi bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir khi cho thu hồi Điều luật 370 trong Hiến pháp của Ấn Độ được cho là giúp Kashmir bình thường trở lại sau nhiều năm bất ổn và trì trệ kinh tế.
Thứ ba, là tầm nhìn về đất nước. Trái với lập trường của đảng Quốc đại khi cho rằng Ấn Độ chỉ là một liên minh đa quốc gia, chưa bao giờ thực sự tồn tại như một quốc gia cho đến khi có Hiến pháp năm 1950, Thủ tướng Modi và đảng BJP của ông luôn khẳng định Ấn Độ là một thực thể văn minh có từ hàng ngàn năm qua. Một quan điểm đã được 96% người dân tán đồng khi cho biết họ tự hào là người Ấn Độ và có đến 72% tin rằng văn hóa Ấn Độ vượt trội các nền văn hóa khác.
Trong đối nội, nếu như đảng Quốc đại chủ trương tái phân phối của cải - một mô hình bị cho là có nguy cơ gây ra tình trạng nghèo đói và lạm phát tăng vọt, chảy máu dòng vốn, BJP lại vẽ nên một quốc gia đặt trọng tâm vào sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo chuyên gia Akhilesh Pillalamarri, Thủ tướng Modi được coi là hiện thân trung thành cho hy vọng và ước mơ cử tri bình dân Ấn Độ.