* PHÓNG VIÊN: Hòa nhạc La Passione ở TPHCM và Italy sẽ có điều gì mới?
* Nghệ sĩ HIỀN NGUYỄN: Thực ra sẽ không có quá nhiều thay đổi trong các đêm nhạc, từ Hà Nội đến TPHCM và qua Italy. Tuy nhiên, ở mỗi chương trình cũng sẽ có vài thay đổi nhỏ, chủ yếu để đáp ứng yêu cầu thưởng thức của khán giả địa phương. Ví như trong đêm diễn ở Italy, chương trình sẽ có thêm 2 bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh là Xe chỉ luồn kim và Trống cơm. Khán giả ở Italy rất mong muốn bên cạnh các tác phẩm cổ điển đã quá quen thuộc, giờ đây có thêm những tác phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Hiền chọn quan họ Bắc Ninh vì đây là loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cũng là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ngoài ra, tùy vào nơi biểu diễn mà một số bài cũng có cách hòa âm phối khí hơi khác để khán giả dễ nghe, dễ cảm nhận.
* Hình như Hiền rất háo hức với việc mang dân ca quan họ đến Italy, điều này có ý nghĩa gì đặc biệt với Hiền không?
* Cách nay 9 năm, khi đang du học ở Italy, Hiền có may mắn tham gia một số liên hoan âm nhạc, được cùng biểu diễn với nghệ sĩ nhiều nước. Trong số các tác phẩm Hiền biểu diễn, tạo dấu ấn nhiều nhất chính là bài Xe chỉ luồn kim. Nay trở lại Italy, được hát lại bài hát ngày nào với Hiền là một sự sống lại với những ký ức đẹp. Tuy nhiên, ký ức cũ nhưng tác phẩm, lối biểu diễn, tâm thế đã hoàn toàn khác ngày xưa. Trong đêm diễn tới đây, Hiền sẽ hát với bản phối mới do nhạc sĩ Việt Nam phối, trên nền nhạc đệm của các nghệ sĩ Italy và trong một chương trình do nhà hát Italy tổ chức. Thực ra ban đầu Hiền tính tự làm hết nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì mình là người nước ngoài, nhiều cái không biết làm sao. Sau bạn bè bên đó giới thiệu một đơn vị chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, họ sẽ lo tất cả, mình chỉ chuyên tâm chuẩn bị tốt nhất để biểu diễn mà thôi. Qua làm việc với họ, Hiền đã thống nhất tháng 10 này sẽ mời một số nghệ sĩ dương cầm Italy đến TPHCM biểu diễn. Đó sẽ là một chương trình độc đáo khi nghệ sĩ Việt hát, nghệ sĩ Italy đệm đàn.
* Để khẳng định mình trong môi trường nghệ thuật không dễ dàng, nhất là với âm nhạc cổ điển, động lực nào giữ Hiền đi con đường ấy đến giờ?
* Ngay từ khi gia nhập con đường nghệ thuật, Hiền đã luôn tự nhủ với bản thân phải kiên định với đam mê. Mình không kiên định thì khán giả cũng không chú ý, kiên định lại với mình đâu. Nếu không nhìn thấy ở người nghệ sĩ sự đam mê, tài năng thì ai người ta quan tâm, ai mua vé nghe mình hát. Để khán giả yêu mình qua bao nhiêu năm rất khó, may mắn là Hiền có được một tệp khán giả yêu mến riêng, bán vé hay bán đĩa lúc nào cũng ổn định, đó cũng là một điều hạnh phúc trong nghề.
Thực ra định hướng của Hiền là trở thành một giáo viên âm nhạc cổ điển. Hiền đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương với đề tài dạy âm nhạc cổ điển, thế nhưng lại không thể bỏ được biểu diễn vì quá đam mê. Mình muốn khán giả nhìn thấy đam mê đó của mình, được nghe những tác phẩm kinh điển dưới các bản phối khác nhau. Hiền đã chọn con đường riêng và luôn tin nếu thực sự đam mê, dành cho nó 100% năng lượng sẽ được nhận lại phần nào đó, ít hay nhiều.
* Đầu năm nay, Hiền Nguyễn đã ra mắt cuốn sách Lịch sử Opera Italy. Điều gì khiến chị muốn thực hiện cuốn sách khó như vậy?
* Cuốn sách đó viết trong 2 năm. Ban đầu, Hiền không tính viết sách bởi với lịch diễn, học dày đặc, rất khó để dành thời gian nghiên cứu, viết lách. Hiền có suy nghĩ là muốn viết gì thì đợi sau 40 tuổi, có thời gian rảnh mới viết, chứ bây giờ thì rất khó. Nhưng dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến, Hiền có nhiều thời gian hơn. Cũng trong lúc đó, thầy giáo của Hiền hồi ở Italy là Giáo sư Gianni Kriscak, hiện đang giảng dạy tại Đại học Âm nhạc và Biểu diễn Graz (Áo) liên hệ và giới thiệu công trình này. Đây là đề tài thầy ấp ủ mười mấy năm nay nhưng chưa tìm ra người để tiếp nối ngọn lửa đam mê. Thế là Hiền cùng đồng hành với thầy để thực hiện, hoàn tất công trình.
Lịch sử Opera Italy là một cuốn sách học thuật chứ không phải là một tác phẩm phổ thông. Cuốn sách hướng đến độc giả là các giáo sư, giáo viên, sinh viên, nghệ sĩ, những người quan tâm lĩnh vực này và may mắn đã được mọi người đón nhận. Giáo sư Tú Hương, giảng dạy bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã gửi lời cám ơn những người làm cuốn sách. Một phần vì giá trị học thuật, phần khác là vì loại sách về opera này rất hiếm ở Việt Nam, chỉ có sách nước ngoài. Cuốn sách vì thế là một tài liệu tham khảo quan trọng với những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
* Nhiều người ví chị như một cầu nối văn hóa Việt Nam - Italy, điều đó đối với chị ý nghĩa ra sao?
* Từ năm 2010, Hiền được hỗ trợ rất nhiều từ Đại sứ quán Italy, được đi du học và biểu diễn tại nước bạn. Hiền luôn xem Italy như là quê hương thứ hai của mình và lần này trở lại thực hiện chương trình hòa nhạc, Hiền rất tự hào. Không mấy khi có cơ hội lan tỏa những nét đặc sắc của nền âm nhạc hai nước như vậy. Hồi còn đi du học, Hiền luôn nắm bắt những cơ hội có thể lan tỏa âm nhạc Việt đến bạn bè quốc tế và khi về Việt Nam thì giới thiệu âm nhạc kinh điển của Italy đến khán giả nước nhà. Hiền cũng biết mình chỉ là hạt cát nhỏ bé, mong góp chút sức mình để xây dựng cây cầu văn hóa giữa hai nước, bắt đầu từ những gì cụ thể nhất mà mình có thể làm được.
Hiền Nguyễn Soprano tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2012, cô nhận học bổng của Chính phủ Italy, theo học 2 năm tại Nhạc viện Milan. Cô hiện cộng tác với nhiều đơn vị như Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam... Cô đã có nhiều concert cá nhân riêng như: Belle Duette 2015, Mộc Miên 2018, Yêu 2021, La Passione 2024. Cô đã cho ra mắt album Yêu và Mơ (2021). Cô hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.