Thông điệp “Hiến máu thường xuyên vì một thế giới khỏe mạnh hơn” được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn nhằm hướng tới việc bảo đảm tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu. Hiến máu tình nguyện đã trở thành một hoạt động phổ biến ở nước ta, nhờ đó đã kịp thời cứu sống rất nhiều người bệnh. Từ năm 2007 đến nay, việc tôn vinh những người hiến máu đã được thực hiện trên phạm vi cả nước, có ý nghĩa thúc đẩy nhiều người khác tham gia hiến máu và hiến máu nhắc lại.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, năm 2019 cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó có 99% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2% và tỷ lệ đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt hơn 44%. 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay đã hiến trên 3.000 đơn vị máu. Trong số đó, nhiều người không chỉ hiến máu nhiều lần, vận động được nhiều người hiến máu, mà còn có nhiều hoạt động mang tính lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Bà Trần Thị Mai (ở tỉnh Khánh Hòa) đã hiến máu 95 lần và vận động trên 1.000 người khác tham gia. Bà hiến máu từ năm 2000, sau khi tận mắt thấy người bệnh tử vong do không được truyền máu kịp thời. Hiện nay, bà là một “kiện tướng hiến máu” được nhiều người biết đến và nhờ đó có khả năng thuyết phục nhiều người khác ở địa phương tham gia.
Ông Trần Nam Quân (ở tỉnh Kiên Giang) là người đã hiến máu 70 lần. Hiến máu từ năm 1989 từ một sự tình cờ, từ đó ông thường xuyên đi xe máy hơn 35km từ Giồng Riềng lên TP Rạch Giá để cho máu. Bà Lưu Ngọc Dung (ở TPHCM) là người có nhóm máu hiếm AB Rh-, đã hiến máu 39 lần. Bà kể, một lần bà tham gia hiến máu, sau đó được Trung tâm Hiến máu nhân đạo phản hồi là máu của bà rất hiếm và đề nghị bà nếu sức khỏe bảo đảm thì nên hiến thường xuyên để giúp cho những người có máu hiếm khác. Vậy là nhiều năm nay, cứ đều đặn 3 - 4 tháng bà lại đi hiến máu. 7 năm nay, dù chuyển về sống ở Hóc Môn, bà vẫn giữ thói quen này.
Trong số 7 người hiến máu từ 60 lần trở lên thì có đến 4 trường hợp ở TPHCM là các ông Đặng Thanh Phương (71 lần), Nguyễn Bá Học (70 lần), Nguyễn Văn Tú (64 lần) và Nguyễn Minh Hải (61 lần). Trong số những người hiến máu tiêu biểu, có những trường hợp rất đặc biệt, rất xứng đáng được biểu dương, như đại úy Trần Mạnh Hùng (ở Đà Nẵng) đã hiến máu 25 lần và vận động 100% đoàn viên thanh niên tham gia Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống; ông Cao Đức Trâm (ở Hà Tĩnh) bị tai nạn lao động cụt một cánh tay, vẫn hiến máu 20 lần và vận động 50 lượt người hiến máu; ông Lê Quốc Thịnh (ở Khánh Hòa) đã hiến 15 lần và vận động hơn 27.500 lượt người hiến máu; đại úy Bùi Hoàng Ly Ly (công tác tại Bộ Công an) đã hiến 20 lần và vận động trên 10.000 lượt người hiến máu.
Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh diễn ra vào ngày 11-6, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Những người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh hàng năm chính là tấm gương sống động để vận động gia đình, cơ quan, khu phố cùng hiến máu. Việc vận động người dân, các đối tượng tham gia hiến máu cứu người, hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại là vô cùng quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn máu, hướng tới đạt 2% dân số tham gia hiến máu theo khuyến cáo của WHO”.
Hưởng ứng thư kêu gọi tình nguyện hiến máu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đông đảo người dân đã tham gia hiến máu, nhờ đó lượng máu tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn cùng kỳ năm ngoái, với hơn 430.000 đơn vị máu. Từ ngày 6-6 đến ngày 8-8-2020, sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Những giọt máu hồng - hè 2020”, trong đó, Chương trình Hành trình đỏ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay dự kiến tiếp nhận 80.000 đơn vị máu. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, 42 tỉnh thành sẽ tham gia hành trình đầy ý nghĩa này. |