Theo Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội, ngành quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị.
Tại hội thảo, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần tiếp cận quảng cáo theo cách mới, đó là một ngành của công nghiệp văn hóa. Theo ông, quảng cáo ngoài trời hiện cũng có nhiều vấn đề đang được các cơ quan xây dựng, sửa đổi luật đồng hành với các bộ, ngành, hiệp hội để xử lý bởi đây là lĩnh vực đa ngành. Luật Quảng cáo sẽ có chu kỳ "sống" khá lâu dài và rất khó sửa nên nếu không làm tốt luật và để việc sửa luật kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy không mong muốn.
Nhận định quảng cáo là mảng rất quan trọng, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động cho biết, từ nhiều năm trước, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã hình thành các khu quảng cáo ngoài trời tập trung với quy mô lớn, quảng cáo rất sinh động.
Ở TPHCM hiện đã hình thành một số khu vực quảng cáo có quy mô khá lớn, đầu tư mạnh về thiết kế, thẩm mỹ tại quận 1. Còn ở Hà Nội, tại một số khu vực ngã tư đã xuất hiện các biển quảng cáo lớn, đèn Led nhưng tổng thể vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Để phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cho rằng phải hoàn thiện hành lang pháp lý; đầu tư trọng tâm, trọng điểm; ứng dụng công nghệ cao, tăng tính sáng tạo để tạo ra sản phẩm quảng cáo chất lượng, đột phá.
Cùng chung nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cũng chỉ ra rằng, dù ngành quảng cáo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng phát triển trong thời gian qua, trong đó có mảng quảng cáo ngoài trời nhưng trên thực tế, quảng cáo ngoài trời còn gặp một số vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý, các quy định hướng dẫn, dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, cần có các quy định để tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật. "Cần phải làm quy hoạch, chỉ có quy hoạch thì chúng ta mới biết chỗ nào được quảng cáo, chỗ nào không, đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm", ông Sơn nêu quan điểm.
Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, giải pháp đầu tiên đối với doanh nghiệp là phải lắng nghe thị trường, lắng nghe khách hàng. Nếu chỉ quảng cáo không gắn thực cảnh thì ai xem quảng cáo của chúng ta?
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, hiện cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Ngoài Luật Quảng cáo thì Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Dược và một số văn bản khác thường xuyên bổ sung các chính sách liên quan tới nội dung quảng cáo.