Phong trào lớn của toàn quân
Nói đến lực lượng vũ trang Quân khu 7, nhiều người sẽ nghĩ đến những buổi huấn luyện miệt mài trên thao trường, diễn tập bắn đạn thật, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7 không chỉ giỏi huấn luyện, chiến đấu mà còn có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác nghiên cứu khoa học. Dấu ấn trên “mặt trận” không tiếng súng là sự tiên phong của lãnh đạo Quân khu 7, cùng sự vào cuộc của các sĩ quan, chiến sĩ của đơn vị.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tràn qua TPHCM. Hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 vào trận phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng vấn đề mới lại đặt ra là làm thế nào để phòng chống đại dịch và bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, người dân được an toàn, bền vững. Yêu cầu cấp thiết của việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là cần có những nghiên cứu về phòng chống, ứng phó với dịch bệnh. Sau một thời gian trăn trở, đề tài khoa học “Hoạt động của lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn” đã ra đời, do Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7, làm chủ nhiệm đề tài.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các quân khu, đơn vị trong quân đội làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, tham mưu đề xuất các nội dung liên quan đến lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn.
Nhiều sáng kiến hay, công trình tốt
Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật không bó hẹp trong các đơn vị chuyên ngành, cán bộ chuyên trách, mà trở thành phong trào sâu rộng trong các đơn vị, từ vị tư lệnh đến cán bộ, chiến sĩ của toàn Quân khu 7. Trung tá Võ Hữu Tường, Khoa Binh chủng, Trường Quân sự Quân khu 7, tác giả của sáng kiến đạt giải A mang tên “Cọc chuẩn đa năng súng cối 82mm, 100mm”, bày tỏ, kết quả công trình là sự đam mê tìm tòi sáng tạo và trách nhiệm người lính với đồng đội.
Nói về sáng kiến của mình, Trung tá Võ Hữu Tường chia sẻ, quá trình sử dụng bảng điều chỉnh đường ngắm 30-00 súng cối 82mm, 100mm có một số nhược điểm như kích thước lớn, hình dáng cồng kềnh và khối lượng nặng, gây ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện, chiến đấu. Sáng kiến tích hợp nhiều tác dụng của các trang bị vào trong một sản phẩm đã giúp giảm khối lượng và đưa trọng lượng từ 11kg xuống còn 1,3-2kg, vừa thuận lợi trong cơ động vừa dễ tháo lắp bảo quản…
Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, thông tin, 10 năm thực hiện Nghị quyết 791 của Quân ủy Trung ương (2012-2022) về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong quân đội đã tạo bước chuyển lớn, các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường bền vững. Trong thời gian này, Quân khu 7 đã nghiệm thu và công nhận 381 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; trong đó có 29 sáng kiến được xếp loại, công nhận cấp Bộ Quốc phòng, 67 sáng kiến đạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.
Những công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 không chỉ phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, góp phần xây dựng hậu phương quân đội, thế trận lòng dân vững chắc.
Hầu hết các đơn vị, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành trong Quân khu 7 và nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ đã chú trọng, tích cực nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hỗ trợ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các công trình khoa học đã đạt giải cao trong các hội thi toàn quân. |