Ghi nhận trưa 1-3, tại ngã tư Nguyễn Văn Linh và Trịnh Quang Nghị (huyện Bình Chánh), dù đang đèn đỏ, một phụ nữ chạy chiếc honda kéo theo một rơ moóc chỉ có 2 bánh nhưng dài gần 3 mét, chở đầy dưa hấu chạy băng qua giao lộ, rồi lao vào chạy ngược chiều trên làn dành cho xe 2 bánh đường Nguyễn Văn Linh. Chứng kiến, ai cũng giật mình kinh sợ vì hành vi đó quá nguy hiểm.
Trên quốc lộ 1A đoạn qua các quận 12 và Thủ Đức, cũng thường thấy có nhiều xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông trên đường, rất không an toàn.
Ngay cả nội ô quận Gò Vấp, các xe tự chế chất đầy hàng hóa vẫn chạy ào ào trên những cung đường đông đúc người và xe lưu thông, như đường Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ, Nguyễn Oanh…
Dọc các con đường Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Đại Hành… (quận 11), những chiếc xe tự chế chở đầy hàng hóa chất cao như đang làm xiếc trên đường, che khuất tầm nhìn của người điều khiển, cũng thường xuyên lưu thông qua lại hàng ngày. Nhiều người cùng tham gia giao thông thấy không an toàn, vội tấp vào lề, chờ những chiếc xe này đi qua rồi mới dám đi tiếp.
Đã có những lúc CSGT TPHCM mở đợt cao điểm xử phạt người chạy các xe tự chế, nhưng rồi khi qua đợt cao điểm thì vẫn thấy nhiều xe tự chế lưu thông tiếp. Việc xuất hiện và tồn tại của xe tự chế do xe ba gác thô sơ chở hàng hóa đã không còn được lưu thông, mô tô ba gác và ô tô tải nhỏ chở hàng chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại khu vực nội thành TPHCM rất cao, nên nhiều người phải thuê xe 3 - 4 bánh tự chế vận chuyển hàng hóa. Nguyên nhân nữa là chi phí vận chuyển của loại xe này rẻ.
Ông Nguyễn Văn Tám, lái xe tự chế chở hàng hóa (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, đã hành nghề hơn 5 năm) thừa nhận: “Hầu hết các chủ xe tự chế chở hàng hóa đều biết rằng loại xe này rất mất an toàn, vì thường là xe máy cũ kỹ kéo theo rơ moóc tự chế chở hàng, khó điều khiển an toàn, khó dừng được xe, nên rất nguy hiểm cho cả người điều khiển xe và người đi đường. Nhưng vì cơm áo gạo tiền nên không có lựa chọn khác. Biết là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nên tụi tui phải luôn để ý né CSGT”.
CSGT rất khó xử lý được các xe tự chế. Bởi những người chạy xe tự chế để chở hàng nắm rất rõ lịch hoạt động cũng như vị trí chốt chặn của các tổ CSGT. Họ thường chọn thời gian vắng CSGT trực, để hoạt động. Khi có khách thuê chở hàng trong giờ có CSGT trực, cánh lái xe tự chế chọn hướng lưu thông khác, luồn lách vào các đường nhỏ để né.
Trong giờ cao điểm tuần tra của CSGT, cánh lái xe tự chế tìm một điểm đậu an toàn. Thế nên, dù hoạt động của các loại xe tự chế tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn giao thông, nhưng việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm vẫn còn kém hiệu quả. Đa phần xe tự chế là xe cũ kỹ, không giấy tờ, nên khi bị giam xe thì chủ phương tiện bỏ xe, không chấp hành xử phạt.
Qua 10 năm thực hiện việc cấm xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông, TPHCM đã tịch thu, tiêu hủy gần 29.000 xe tự chế, đồng thời chi gần 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, hiện trên địa bàn TPHCM vẫn có khoảng 30.000 xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động.
Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nêu rõ: Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Ngày 29-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 548/QĐ-TTg về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. |