Vẫn ngang nhiên chạy trên đường
Ngày 7-11, bà N.T.Y.H. (sinh năm 1962) điều khiển xe gắn máy trên đường Ba Tháng Hai, đến giao lộ Ba Tháng Hai - Sư Vạn Hạnh (quận 10) thì va chạm với xe xích lô chở các thanh sắt dài do một người đàn ông đẩy bộ. Vụ va chạm khiến bà H. ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Người dân cho biết, xe của bà H. tông vào các thanh sắt dài nhô ra từ xe xích lô. Tại hiện trường, xe xích lô chở các thanh sắt dài nằm chắn một phần đường. Các thanh sắt trên xe nhô ra phía trước và sau khoảng 1,5m.
Trước đó, vào trưa 8-5, một ô tô tải khi lưu thông đến cầu vượt Sóng Thần, phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) thì gặp sự cố nên tấp vào lề đường, tài xế gọi thợ đến sửa. Sau đó, ông T.M.D. (sinh năm 1977, ngụ tỉnh Đồng Nai, là thợ sửa điện) đến, đang đứng bên hông ô tô kiểm tra thì bất ngờ bị xe ba gác chở hàng do một người đàn ông điều khiển từ phía sau lao đến tông trúng. Cú va chạm khiến ông D. tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe ba gác, xe tự chế, xe xích lô chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường đông người qua lại ở TPHCM. Theo quan sát của chúng tôi, các loại xe chở hàng hóa cồng kềnh nói trên thường xuất hiện ở các tuyến đường Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, An Dương Vương, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, quốc lộ 1... Đây là sự ám ảnh với nhiều người dân khi tham gia lưu thông.
Chị Thu (sinh năm 1987, ngụ TP Thủ Đức) kể, mỗi ngày khi đi làm, nếu bắt gặp xe ba gác, xe tự chế lưu thông trên đường là chị tìm cách né tránh hoặc tấp vào lề đường, dừng lại chờ xe đi qua. Hầu hết các xe này chở theo thanh sắt dài đến chục mét, các khối hàng cồng kềnh cao ngút, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao với người đi đường. Theo chị Thu, dù cảm thông chủ xe có điều kiện sống khó khăn nhưng không thể vì lý do này mà cơ quan chức năng buông lỏng việc quản lý các phương tiện trên.
Xử lý không xuể
Đại diện Đội CSGT Bình Triệu, Phòng CSGT, Công an TPHCM, cho biết, vài tháng qua, đơn vị xử lý nhiều xe ba gác, xe tự chế... lưu thông, có cơi nới thêm thùng. Các xe loại này thường được dùng để chở rau củ, thanh sắt… Với tài xế không mang giấy tờ, CSGT sẽ tạm giữ xe. Những xe không có giấy tờ, biển số, không đèn sẽ bị tịch thu. Phần lớn các xe này khi bị lực lượng chức năng xử lý tạm giữ thì chủ xe đều bỏ xe, vì chi phí mua xe hiện khá rẻ, trong khi mức xử phạt cao.
Đại diện Đội CSGT Hàng Xanh Phòng CSGT, Công an TPHCM, cho hay, hiện nay chưa có mức xử phạt với lỗi chở hàng hóa cồng kềnh mà chỉ xử phạt trong trường hợp điều khiển xe máy chở hàng hóa vượt quá giới hạn quy định.
Khoản 4, Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng, mô tô, xe máy, theo đó không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m. Với lỗi chở hàng vượt quá quy định với mô tô, xe máy thì người vi phạm bị phạt từ 400.000-600.000 đồng; trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TPHCM, thời gian qua, lực lượng CSGT bố trí tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường ở TPHCM để xử lý xe ba gác, xe tự chế… Các phương tiện này chở hàng hóa cồng kềnh, khi lưu thông trên đường sẽ gây hạn chế tầm nhìn của phương tiện khác, thậm chí nhiều trường hợp do hàng hóa cồng kềnh dẫn đến va quẹt vào phương tiện khác, gây ra tai nạn giao thông dẫn tới thương vong. Các tháng cuối năm, CSGT tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các loại phương tiện trên để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Từ đầu năm 2023 đến tháng 10-2023, lực lượng CSGT toàn TPHCM đã phát hiện gần 16.500 xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, quá giới hạn; gần 3.400 xe máy thiết bị kỹ thuật không đảm bảo; xử lý gần 2.100 xe ba gác, xe tự chế… Trong đó có 704 trường hợp chủ xe bị phạt lỗi vi phạm chở hàng cồng kềnh.