Hiểm họa từ súng tự chế

Khi mạng xã hội phát triển, nhiều nhóm thanh thiếu niên đã đặt hàng mua súng hoặc các bộ phận của súng qua các trang mạng, mang về lắp ráp thành một khẩu súng hoàn chỉnh để sử dụng.

Công an các địa phương vùng ĐBSCL cho biết, trong nhiều vụ án gây mất an ninh trật tự, các đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án, mức độ nguy hiểm, sát thương không thua súng quân dụng... Tuy nhiên, rất khó khăn để quản lý việc mua súng tự chế.

m4b-6515-6196.jpg
Súng tự chế và các công cụ hỗ trợ bị lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ

Sản xuất, mua bán tinh vi

Tháng 10-2022, Công an TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) phát hiện Dương Minh Tuấn (tự Ba Teo, sinh năm 1993, ngụ Rạch Giá) mua khoảng 400 khẩu súng đồ chơi, mang về “cải tạo” lại để tăng tính sát thương rồi bán cho một đường dây chuyên cung cấp súng tự chế. Theo lời khai nhận của Tuấn, việc cải tạo súng đồ chơi thành công cụ sát thương khá đơn giản.

Theo công an 2 tỉnh Kiên Giang, An Giang, từ năm 2022 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ việc các đối tượng mua bán, tàng trữ, gây án bằng súng tự chế. Điển hình như vụ 2 thanh niên dùng súng nhựa nhưng có thể gây sát thương để cướp một ngân hàng ở TP Hà Tiên (Kiên Giang); vụ 42 đối tượng dùng súng tự chế giải quyết tranh chấp đất ở Phú Quốc; vụ thiếu niên 17 tuổi ở TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) mua súng tự chế với giá chỉ 700.000 đồng trên mạng để phòng thân, sau đó bắn bị thương 1 người. Do không phải là vũ khí quân dụng nên súng tự chế được vận chuyển khá công khai, thậm chí qua đường chuyển phát nhanh. Chẳng hạn, công an đã phát hiện vụ việc một số đối tượng tháo súng ra thành linh kiện rồi gửi như bưu phẩm bình thường qua Bưu điện tỉnh An Giang. Sau khi nhận hàng, người nhận sẽ lắp ráp lại để sử dụng.

Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết: các nhóm đối tượng mua súng trên các trang mạng hoặc mua từng bộ phận của súng rồi tự lắp ráp rất tinh vi nên gây khó khăn trong công tác quản lý. Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, khuyến nghị người dân giao nộp vũ khí để không bị xử lý theo quy định pháp luật. Còn tại tỉnh Trà Vinh, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Trà Vinh, thông tin: tính riêng 10 tháng của năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 11 vụ, với 52 đối tượng vi phạm liên quan đến vũ khí. Đơn vị đã thu hồi 13 khẩu súng quân dụng các loại, 4 khẩu súng hơi, 7 súng tự chế, 925 viên đạn các loại.

Mối nguy khó lường

Theo bác sĩ Danh Trung, Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, súng tự chế nguy hiểm hơn súng quân dụng. “Các vết thương do vũ khí tự chế gây ra rất phức tạp, lỗ đạn không ổn định, có trường hợp chỉ bị bắn 1 phát mà vùng ngực, bụng nạn nhân thủng tới 7 lỗ, rất khó cứu chữa”. Thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí, súng tự chế để trộm, cướp tài sản, giết người, gây thương tích cho người khác.

Mới đây, tại một quán ăn trên đường Nguyễn Minh Đường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã xảy ra một vụ đánh nhau và có tiếng nổ lớn. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ 5 đầu đạn cao su. Một trường hợp khác, đối tượng Võ Thanh Hòa (27 tuổi, tạm trú xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho) điều khiển xe gắn máy không biển số đến một ngân hàng có chi nhánh ở xã Trung An (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và dùng vật có hình dạng giống súng tự chế để uy hiếp nhân viên ngân hàng đưa tiền rồi tẩu thoát. Qua giám định, cây súng mà đối tượng sử dụng có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng.

Về các giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này, Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang, khẳng định, công tác đấu tranh, triệt xóa băng nhóm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế ngày càng khó khăn, phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sĩ không được lơ là, chủ quan, quyết tâm cao hơn, tăng cường cảnh giác khi đối diện với các loại tội phạm. Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, để tiếp tục đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi vi phạm liên quan đến súng, lực lượng công an tăng cường kiểm tra, rà soát, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra hành chính các cơ sở cho thuê lưu trú, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhằm trấn áp các loại tội phạm và triệt xóa những tụ điểm tệ nạn xã hội gây hoang mang trong dư luận.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, các đối tượng mua súng ở trên mạng nhưng mua từng bộ phận, không mua hẳn một khẩu súng. Khi đầy đủ các linh kiện, đối tượng lắp ráp hoàn chỉnh thành súng, thế nên rất khó xử lý. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương rà soát, thống kê và tính toán phương án trình cấp có thẩm quyền. “Thời gian tới, việc sử dụng vũ khí, kể cả đối tượng chỉ mang bộ phận của súng với mục đích để lắp ráp thành một khẩu súng, đều phải bị xử lý”, Đại tá Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục