Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 đã kết thúc nhưng hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ lạm dụng rượu, bia ngay trong những ngày đầu năm mới vẫn còn ám ảnh.
Trong hơn tuần qua, nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM luôn trong tình trạng chật cứng bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và đánh lộn nhau... mà nguyên do bởi “ma men” dẫn lối. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận khám, cấp cứu trên 45.622 người bị tai nạn giao thông (chiếm 14,3% trong tổng số khám, cấp cứu), trong đó có 187 trường hợp tử vong tại bệnh viện và trên đường đến bệnh viện.
Cùng với đó, các bác sĩ cũng phải căng mình cứu chữa hơn 5.303 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, trong đó có tới 15 trường hợp bỏ mạng. Nhiều bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cho biết, rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông, thương tích do đánh nhau được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện vẫn còn trong tình trạng nồng nặc hơi men.
Đặc biệt không ít trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử thần nhưng mang di chứng, tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng, nỗi đau cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu, bia dẫn đến bị suy tim mạch, tai biến não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận cấp...
Nguyên nhân của tình trạng trên được nhìn nhận là do “quá chén” trong dịp đầu xuân. Thực tế này không chỉ khiến các bệnh viện bị quá tải mà còn khiến các y, bác sĩ vô cùng căng thẳng, vất vả trong công việc. Nghiêm trọng hơn, lạm dụng rượu, bia đang khiến nhiều người, gia đình phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề và đau xót, đồng thời làm cuộc sống trở nên bất an hơn; kinh tế - xã hội bị thiệt hại, tổn thất nhiều hơn.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, rượu, bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và tai nạn. Trong đó nhiều trường hợp lạm dụng rượu, bia dẫn tới rối loạn tinh thần, lệch lạc nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí có hành động nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Có tới hơn 8,3% số trường hợp tử vong ở nước ta có liên quan đến sử dụng rượu, bia; 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam giới và đặc biệt có 36,2% trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông ở nam giới bắt nguồn từ sử dụng rượu, bia. Dưới góc độ kinh tế, ước tính, gánh nặng trực tiếp của các bệnh ung thư (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) có nguyên nhân chính do rượu, bia là hơn 25.700 tỷ đồng và chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP.
Chén rượu, cốc bia để chúc mừng nhau những điều tốt đẹp trong dịp đầu xuân lâu nay đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu, bia dễ dẫn tới say xỉn, tai nạn, ẩu đả, ngộ độc và nhiều hệ lụy nguy hại khác cho bản thân và cộng đồng xã hội là điều khó có thể chấp nhận. Tết đã hết nhưng chắc chắn các cuộc liên hoan, gặp mặt mừng tân niên, cho tới các lễ hội xuân vẫn còn kéo dài, vì thế việc sử dụng rượu, bia là điều khó tránh khỏi. Do đó, để ngăn ngừa những tai họa khôn lường do rượu, bia gây ra, đòi hỏi mỗi người dân cần có ý thức trong việc uống rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân và cộng đồng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm quản lý chất lượng rượu, bia, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Về lâu dài, việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu, bia cần có một khung pháp luật tổng thể, chặt chẽ điều chỉnh nhằm ngăn ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra. Bởi lẽ theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đầu tư cho thực hiện các chiến lược phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng xã hội, góp phần cứu sống hàng ngàn sinh mạng mỗi năm và làm giảm đáng kể chi phí chăm sóc y tế.
NGUYỄN QUỐC