Uống rượu bia lái xe là tự hại mình
Có lần tôi lái ô tô đi Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) dự tiệc. Ban đầu tôi cũng ý thức “phải tỉnh để lái xe về nhà”, nhưng rồi uống vui vẻ một hồi thì “không say không về”. Tàn cuộc nhậu, tôi lái xe về trong men say và buồn ngủ. Mặc dù căng mắt nhìn phía trước, song hai mắt cứ díu lại. Đến sát chân cầu Cỏ May (phường 12, TP Vũng Tàu) xe mất lái khi đang chạy tốc độ 90km/giờ, đâm vào con lươn khiến tôi suýt chết.
Kể từ đó, mỗi lần đi nhậu, tôi luôn ý thức rằng “đã uống rượu bia thì không lái xe; đã lái xe thì không uống rượu bia”. Đành rằng khi đi dự tiệc tùng, cưới hỏi, hoặc khi có niềm vui gặp gỡ bạn bè thì thường khó từ chối việc uống rượu bia.
TUẤN CƯỜNG (phường 11, TP Vũng Tàu)
Đừng coi thường luật pháp và sinh mạng
Mọi người nên tự răn mình rằng một khi đã uống rượu bia, dù không tới mức say, chỉ một vài ly cho vui nhân có tiệc tùng, cũng không bao giờ lái xe. Khi đã có hơi men, con người ta thường chếnh choáng, không tỉnh táo, dẫn tới có lời nói, hành vi thất thố, và xử lý tình huống kém. Khi đã uống rượu bia, thường dễ buồn ngủ, lúc đang lái xe trên đường, chỉ cần đôi mắt díp lại trong khoảnh khắc ngắn thôi là gây ra tai nạn giao thông.
Chính tôi đã từng là nạn nhân của một ma men lái xe gây tai nạn giao thông. Hôm đó, tôi đang chạy xe máy trên đường tỉnh lộ gần nhà, bỗng dưng bị một ô tô 7 chỗ tông mạnh từ phía sau. Chiếc xe máy của tôi đổ ra đường, ô tô chồm lên nghiền nát, rồi đâm tiếp vào gốc cây lớn ở lề. Tôi may mắn văng vào bãi cỏ nên thoát chết, nhưng cũng bị gãy tay. Được biết. Cảnh sát giao thông đã kiểm tra nồng độ cồn và kết luận kẻ gây tai nạn cho tôi đã uống quá nhiều rượu bia.
Từng là nạn nhân của một vụ ma men lái xe, tôi muốn nhắn nhủ tới mọi người: mạng sống là quan trọng, vì vậy hãy biết quý trọng mạng sống của mình cũng như những người khác, đừng bao giờ lái xe trên đường khi đã uống rượu bia. Hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, luật lệ giao thông, bởi an toàn giao thông cũng là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.
TRỊNH VIẾT HIỆP (Cầu Giấy, Hà Nội)
Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Vài ngày trước, tôi có đến nhà anh Phan Thanh Hùng và chị Lê Thị Mến là đôi vợ chồng trẻ cùng tử vong trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra cách đây tròn 6 năm ở làng Tham Hội 2, xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Họ bị một tài xế uống rượu bia say xỉn lái ô tô cán chết, bỏ lại 2 đứa con thơ dại phải chịu cảnh côi cút, tương lại mịt mù.
Thấy một gia đình êm ấm đã bị phá nát hạnh phúc vì một ma men lái xe, nói thẳng là tôi không chịu được, càng căm giận người tài xế mất đạo đức nghề nghiệp kia. Dù pháp luật đã trừng trị, phạt 7 năm tù cho người tài xế gây tai nạn nghiêm trọng, nhưng vẫn không thể bù đắp cho nỗi mất mát, đau thương mà gia đình anh Hùng - chị Mến phải hứng chịu.
Rõ ràng nếu như người tài xế đó đừng uống rượu bia rồi lái xe thì đâu có cái cảnh người chết, người mồ côi, kẻ phải vào tù. Nhưng tất cả đã muộn màng.
Đã có rất nhiều sinh mạng phải chết thảm khốc do nạn uống rượu bia rồi lái xe gây tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn giao thông đau thương như thế cứ xảy ra hàng ngày, đều bắt nguồn từ sự vô ý thức của người tham gia giao thông.
Những chiếc khăn tang vẫn cứ nối tiếp quấn lên đầu những gia đình bất hạnh từ thảm họa tai nạn giao thông. Thương tật vì tai nạn giao thông cũng theo suốt nhiều người đi hết cả cuộc đời. Vòng lao lý vẫn không dung thứ cho những ma men lái xe gây tai nạn thương vong trên đường.
Để không có thêm những cái chết thảm, oan nghiệt, mọi người cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, không lái xe sau khi đã uống rượu bia. Chỉ khi toàn xã hội có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, có tinh thần thượng tôn pháp luật, thì mới quyết định được chuyện giảm tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông thực sự đang là thảm họa quốc gia. Đã là thảm họa, là quốc nạn thì phải khẩn trương và kiên quyết xử lý, đẩy lùi vấn nạn đáng sợ này trên mọi nẻo đường.
VÕ MINH HUY (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Xử lý nghiêm ma men gây tai nạn giao thông
Mặc dù có nhiều hành vi gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm khốc và kinh hoàng, nhưng thường hành vi này chỉ bị xử phạt với mức án rất nhẹ, thường là ở mức thấp nhất của khung hình phạt, thậm chí là chỉ bị án treo.
Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015, hiện nay mức hình phạt tối đa cho hành vi gây ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, trong đó có việc sử dụng rượu bia, chất kích thích, chỉ tối đa 15 năm tù.
Đã đến lúc cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, kinh hoàng do lái xe sau khi sử dụng rượu bia, chất kích thích, mức hình phạt có thể tăng lên 20 năm hoặc tù chung thân.
Đặc biệt khi lượng hình, định khung hình phạt tuyệt đối không sử dụng hình phạt án treo đối với hành vi phạm tội gây ra tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người do sử dụng rượu bia, chất kích thích dù người gây ra tai nạn nghiêm trọng đã bồi thường đối với người bị nạn hoặc với thân nhân gia đình nạn nhân.
Việc xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là biện pháp để phòng ngừa, răn đe và tiến tới giảm thiểu tới mức thấp nhất hậu quả các vụ tai nạn giao thông, trong đó có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do sử dụng rượu bia, chất kích thích rồi tham gia giao thông.
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)