Mạng xã hội giúp cho việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa con người với nhau trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Tuy nhiên do việc kết nối chia sẻ thông tin quá dễ dàng, không bắt buộc sự chân thực, chính xác nên không ít thông tin, hình ảnh trên trên mạng xã hội, hay thế giới ảo lại có tác động vô cùng nguy hại tới cộng đồng, cũng như hiện thực đời sống xã hội.
Những ngay vừa qua, không chỉ có cộng đồng mạng mà người dân, dư luận cả nước rất hoang mang, sửng sốt trước việc hàng trăm người dân ở Hải Dương giữ người, rồi đốt xe của một giám đốc doanh nghiệp ở Thái Nguyên chỉ vì cho rằng người đàn ông này thôi miên bà chủ một cửa hàng đồ gỗ trên địa bàn.
Đau xót hơn, phẫn nộ hơn là vụ việc 2 phụ nữ nghèo làm việc cho một hợp tác xã nhân đạo ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội khi tới địa bàn huyện Sóc Sơn để bán tăm thì bị nhiều người dân địa phương quây lại đánh đập dã man tới mức tóe máu mặt, ngất xỉu chỉ vì bị nghi ngờ là bắt cóc trẻ em.
Vụ việc ở Hải Dương và Sóc Sơn là hậu quả của việc lâu nay trên facebook, rất nhiều người đã chia sẻ (share) với tốc chóng mặt những thông tin về việc “bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, hay bán sang biên giới... cho tới việc thôi miên, bỏ bùa để lừa đảo lấy vàng, tiền...”.
Đáng nói hơn khi phần lớn những thông tin này do một vài cá nhân tự “sáng tác”, rồi tung lên trên mạng nhằm mục đích câu like hơn, hoàn toàn không phải là lời cảnh báo về hiện tượng nguy hiểm có thực trong đời sống.
Thế nhưng với tốc lan truyền cực nhanh trên mạng xã hội với hàng trăm ngàn người đọc và theo dõi, những thông tin không đúng sự thật trên đã tác động trực tiếp tới tâm lý của nhiều người, gây ra sự cảnh giác thái quá, thậm chí là tiêu cực như hai sự việc vừa rồi.
Tệ hơn cũng từ những thông tin không chính xác trên thế giới ảo mà đã kích động nhiều người coi thường pháp luật, ưa dùng bạo lực trong đời sống. Sự việc xảy ra chưa rõ ràng, lẽ ra phải chờ các cơ quan có thẩm quyền điều tra, kết luận thì nhiều người đã kích động, lôi kéo nhau “tự xử” bằng những hành động vô cùng dã man, mất hết nhân tính, nói cách khác là họ đã phạm tội.
Đại tá PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ, việc người dân quá khích là biểu hiện của yếu tố lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội.
Thông tin bắt cóc trẻ em gần đây được lan truyền trên mạng xã hội một cách quá mức, không kiểm chứng dẫn đến việc nhiều người dân kém hiểu biết đã tưởng thật. Vì lo lắng thái quá, người dân có hành động đề phòng, cảnh giác thái quá, nghi ngờ thiếu căn cứ.
Trong khi đó, việc tung những tin đồn thất thiệt không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế - xã hội, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Mạng xã hội không xấu nhưng rõ ràng tất cả các tin thất thiệt, không chính xác được đưa lên mạng xã hội dù cố ý hay vô ý đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải có biện pháp ngăn chặn, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, cổ súy cho những hành động sai trái, vi phạm pháp luật.
Trước làn sóng thông tin không chính xác, thất thiệt đang tràn lan trên mạng xã hội chỉ để… câu like, hơn ai hết, mỗi người dân cần phải đề cao tinh thần cảnh giác, không nên lệ thuộc, cả tin thái quá. Cần phải tẩy chay những trang thông tin tiêu cực, phản động, tung tin thất thiệt để kích động, lôi kéo, dụ dỗ.
Người sử dụng nên xác định rõ ràng, mạng xã hội chỉ là một kênh thông tin chứ không phải tất cả cuộc sống của mình. Về phía các cơ quan chức năng, khi phát hiện những thông tin thất thiệt cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ và công khai để nhân dân được biết. Đồng thời, truy tìm bằng được người tung tin không chính xác để xử lý nghiêm theo quy định, cũng như xử lý cả những người tiếp tay cho việc lan truyền những tin thất thiệt đó.