Nhiều người tự chữa bệnh bằng cách tham khảo trên mạng xã hội thay vì đến bệnh viện điều trị
Vụ việc một sản phụ ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) tử vong sau khi phá thai bằng que nứa do bà lang thực hiện, lại một lần nữa cảnh báo về hiểm họa từ những cách điều trị bệnh rất phản khoa học. Không chỉ xảy ra ở những nơi điều kiện khám chữa bệnh còn khó khăn, nhiều người ở các thành phố lớn cũng “tiền mất tật mang” vì nghe theo lang băm chỉ vẽ, tự ý điều trị bệnh tại nhà.
Những sự việc đau lòng
Cuối năm 2017, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu bệnh nhân N.V.C (53 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị nhiễm trùng nặng, biến chứng từ viêm túi thừa đại tràng vỡ. Trước đó ông C. đã đi khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán viêm túi thừa, tuy nhiên, thay vì điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ thì ông tự điều trị tại nhà, tự tiêm thuốc chống viêm và giảm đau, dẫn đến biến chứng.
Trước đó, một cháu bé (2 tháng tuổi, ngụ tại Hà Nội) cũng tử vong do cha mẹ tự điều trị ho cho cháu tại nhà.
Anh P.V.H. (ngụ thành phố Thái Nguyên) phải vào viện cấp cứu vì men gan tăng cao, khó thở, sức khỏe nguy kịch vì anh tự điều trị bệnh đau dạ dày bằng thuốc nam theo lời khuyên của một lang băm trên mạng.
Mới đây, vào giữa tháng 3-2018, một bé trai 3 tuổi tại tỉnh Quảng Ninh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, hạ đường huyết, tiên lượng xấu vì gia đình nghe người quen chỉ vẽ tự đắp thuốc để chữa bỏng cho bé.
Kiểu tự ý chữa bệnh tại nhà theo kinh nghiệm dân gian, hay bày vẽ của các lang băm (trong đời thực và trên mạng) ngày càng phổ biến. Hầu hết người bệnh thường điều trị theo kiểu “ai chỉ gì uống nấy”.
Chị P.T.T. (quê Quảng Ngãi) làm giúp việc nhà tại TPHCM đã phải trả giá đắt cho việc điều trị bệnh phản khoa học. Chị T. kể: “2 tháng trước, tôi phát hiện có khối u ở ngực, u tấy đỏ và đau nhức. Mấy lần về quê tôi nghe bà con xóm giềng kể có bà lang ở xã bên chữa bệnh bằng thuốc nam tốt lắm, bệnh gì cũng khỏi, kể cả ung thư. Bởi vậy khi phát hiện khối u, tôi về quê chữa, vừa uống vừa đắp thuốc được vài ngày thì tôi bị sốt cao, buộc phải trở lại TPHCM nhập viện điều trị. Lúc này vết thương hở đã nhiễm trùng và khối u phát triển mạnh”.
Dù là trí thức, nhưng chị M.T.Q. (ngụ quận Bình Thạnh) vẫn không tránh khỏi hoang mang khi bị hạ đường huyết, chấn thương cột sống. Vì quá lo lắng nên chị Q. vừa điều trị thuốc tây theo phác đồ của bác sĩ vừa uống thuốc nam theo lời khuyên của những người quen nhưng không có kiến thức y học, khiến cơ thể chị bị rối loạn, gây nôn ói, đau đầu, khó thở, phải vào bệnh viện cấp cứu.
“Bác sĩ Google” chỉ để tham khảo
Nhiều người bệnh vẫn bám víu vào bất cứ lời khuyên, chỉ vẽ của mọi người, tự chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian truyền tai nhau. Nhiều cơ sở chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc đông y không có giấy phép mọc lên khắp nơi; nhiều thầy lang cũng nhảy ra hành nghề bốc thuốc kiếm tiền. Bên cạnh đó, có người lại chọn cách chữa bệnh trông cậy vào… bác sĩ internet.
Theo bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (TPHCM), bệnh nhân có thể chọn lựa khám và chữa bệnh đông y hoặc tây y, hoặc cả 2 đều được, nhưng phải đến cơ sở chính thống, người khám và điều trị được đào tạo bài bản và có chứng chỉ hành nghề, cơ sở y tế được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đông y có thầy thuốc không qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề, thiếu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Thói quen của nhiều người Việt là thấy ai bệnh liền mách chỗ này chỗ kia khám, thậm chí còn phóng đại hiệu quả của nơi đó để thuyết phục người bệnh nghe mình.
Bác sĩ Minh kể: “Trong quá trình hành nghề, tôi gặp nhiều trường hợp đang điều trị chính thống, mọi thứ rất ổn định nhưng bệnh nhân lại đi tìm giải pháp khác với mong muốn trị dứt điểm bệnh mãn tính, mà không chịu hiểu rằng điều đó là không thể. Để rồi khi quay lại thì đã muộn, bệnh diễn biến nặng hơn và có những biến chứng không thể phục hồi. Thí dụ, chữa vết thương hở bằng cách đắp thuốc nam vô cùng gây hại cho cơ thể. Mọi vết thương hở phải được xử lý vô trùng, băng bó và chăm sóc, bởi đây là cửa ngõ để vi trùng xâm nhập vào cơ thể, những thứ đắp lên vết thương phải được đảm bảo vô khuẩn. Mặc dù một số lá cây có đặc tính tinh dầu hay kháng sinh sinh học, nhưng không đảm bảo được điều kiện vô trùng; do đó, nhiều trường hợp bị nhiễm trùng tại chỗ phải đoạn chi, nhiễm trùng huyết ảnh hưởng đến tính mạng và chi phí điều trị sau đó vô cùng tốn kém. Ngày nay, mọi kiến thức đều có thể chia sẻ trên internet; tuy nhiên, thông tin trên mạng không có cơ sở kiểm chứng, đó là chưa kể động cơ trục lợi của người xấu. Nói chung, “bác sĩ Google” chỉ để tham khảo chứ đừng áp dụng trực diện mà không trao đổi với bác sĩ chuyên khoa, bởi sức khỏe là điều không thể coi thường”.