Việc dựng rạp dưới lòng đường rất nguy hiểm, nhưng nhiều gia đình vẫn muốn tận dụng khoảng không gian lòng lề đường trước nhà mình cho thuận tiện, không nghĩ rằng việc thuận tiện cho mình lại ảnh hưởng tới người khác, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường và nguy hiểm cho chính mình.
Chính quyền các phường - xã cũng có tâm lý không muốn làm khó với gia đình người dân có việc cưới, việc tang, nên dễ dãi ký cho phép dựng rạp dưới lòng đường. Họ chỉ nghĩ rằng thời gian dựng rạp không quá dài, nhiều lắm cũng chỉ đôi ba ngày, nên ảnh hưởng không đáng kể đến giao thông.
Lòng đường được dành cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nếu một chiếc ô tô mất lái đâm vào rạp cưới trong khi đông người đang tụ tập, hậu quả sẽ rất bi thảm. Hành vi dựng rạp không đúng chỗ gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cần phải được cảnh báo và xử lý kiên quyết, không chờ đến khi tai nạn xảy ra.
Việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo an toàn cho người khác là trách nhiệm của mọi công dân, không phân biệt sang hèn, không luận quan chức hay dân thường. Trách nhiệm đảm bảo sự công bằng trong thực thi luật pháp, đảm bảo chấp hành quy định về an toàn giao thông thuộc về các cấp chính quyền.
Hãy hành động ngay trước khi có tai nạn giao thông xảy ra, có người phải thiệt mạng hay mất đi một phần sức khỏe. Việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, về nguy cơ tiềm ẩn từ những rạp dựng dưới lòng đường cần phải được hiện thực hóa bằng ý thức của người dân và sự cẩn trọng của chính quyền.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, rất nhiều hành vi xâm lấn lòng lề đường sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt khá cao.
Cụ thể, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.