Quá nhiều nạn nhân
Đã có rất nhiều người bị thương tật, tử vong vì bị chó cắn. Ngày 19-7-2018, cháu bé 8 tháng tuổi ở quận Ba Đình (Hà Nội) bị con chó ngao Tây Tạng của nhà mình nuôi cắn với nhiều vết thương khá nặng và tử vong ngay sau đó. Người mẹ lao vào đuổi con chó cũng bị cắn vào tay. Một tháng sau, ngày 19-8-2018, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), một người đàn ông thấy 2 con chó becgie nhà nuôi cắn nhau, bèn cầm cây đến can ra thì bị cả 2 con chó này quay lại cắn vào cổ, dẫn đến tử vong.
Ngày 18-11-2018, tại huyện Thường Tín (Hà Nội), một phụ nữ mở cửa chuồng cho con chó pitbull ăn thì bị chó cắn. Thấy vậy, người hàng xóm cầm gậy xông vào giải cứu cũng bị con chó này tấn công. Sự việc chỉ chấm dứt khi nhiều người dân trong xóm cùng cầm gậy lao vào đập chết con chó. Ngày 5-3-2019, một bé trai 9 tuổi ở tỉnh Yên Bái bị 4 con chó cắn nát bộ phận sinh dục. Ngày 21-3-2019, cháu bé 3 tuổi bị chó pitbull nhà hàng xóm giật đứt dây xích xông ra tấn công. Phải đến khi những người xung quanh mang dao, cuốc đến giải cứu, con chó mới nhả cháu bé ra.
Chó becgie, pitbull hay chó ngao Tây Tạng và nhiều loại chó dữ khác đang được nhiều người nuôi làm thú cưng, giữ nhà nên không bị xích, rọ mõm, thực sự là mối hiểm họa trong khu dân cư, có thể cắn chủ nuôi, cắn người qua đường một cách khó kiểm soát. Những người bị chó dữ cắn nếu không tử vong cũng gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về sức khỏe, tinh thần. Vết thương do chó cắn làm da thịt bị xé rách nên dễ nhiễm các loại tạp khuẩn, đặc biệt là virus bệnh dại từ nước bọt và virus uốn ván từ móng của chó. Những trường hợp bị chó cắn là trẻ em, vị trí bị tổn thương thường ở vùng mặt nên rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa và điều trị đã tử vong vì bệnh dại.
Mức phạt không đủ răn đe
Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y, ở nước ta bình quân hàng năm có khoảng nửa triệu người bị chó cắn phải đi chích ngừa, điều trị dự phòng; trong số đó có khoảng 80 - 100 người tử vong do lây bệnh dại. Theo Cục Thú y, hiện tổng đàn chó trên cả nước khoảng 5,4 triệu con nuôi ở 3,5 triệu hộ, tuy nhiên chỉ khoảng 2,1 triệu con (39%) có tiêm phòng.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý đã quy định phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với các hành vi nuôi chó nhưng không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi thả rông chó trong khu đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường.
Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khắp nơi. Điều này hết sức nguy hiểm khi bất cứ lúc nào chó cũng có thể tấn công người xung quanh hoặc chạy ra đường làm cản trở giao thông, gây tai nạn. Mức phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Cho dù là bao nhiêu tiền đi nữa cũng chẳng thể nào bù đắp nổi những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho những nạn nhân bị chó dữ tấn công.
Thiết nghĩ, cơ quan thú y các địa phương cần quản lý chặt số chó nuôi trên địa bàn. Lưu ý đặc biệt việc nuôi các loại chó dữ nguy hiểm, buộc chủ nuôi phải ký cam kết không thả chó ra đường nếu không rọ mõm. Những trường hợp để chó dữ tấn công người, khiến nạn nhân bị thương tật, tử vong, phải tùy vào mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự.