Một người đàn ông ở thành phố Hà Nội bị chó Becgie nhà nuôi cắn với nhiều vết thương, nặng nhất là vùng cổ, dẫn đến tử vong.
Trước đó, một bé gái 8 tháng tuổi cũng ở Hà Nội bị con chó ngao nhà nuôi cắn đến tử vong.
Một bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị chó nhà cắn với vết thương rộng, sâu, mất toàn bộ da và mô dưới da ở vùng mặt bên trái. 2 bé ở tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gia Lai cũng bị chó nhà cắn xé rách mặt, mất mũi và đứt khí quản.
Thế nhưng thực tế đến nay, nhiều người nuôi chó vẫn không chấp hành việc xích giữ và đeo rọ mõm cho chó. Tại TPHCM, vẫn có nhiều chó thả rong nơi công cộng, trên đường phố, trong khu dân cư, các hẻm nhỏ hay công viên.
Thậm chí, khi đi tập thể dục sáng - chiều, không ít người dắt chó đi lại nhởn nhơ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thời gian gần đây, nhiều người thích nuôi các loại chó to lớn và hung dữ, như chó ngao Tây Tạng, Becgie, Pitbull (chó mặt xệ), Doberman, American Bandogge, Husky, Alaska… Dù chó đã được thuần dưỡng, gửi đi học tại các trung tâm, nhưng chẳng ai biết và dự đoán được lúc nào con chó lên cơn cắn người. Có người bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm chủng, có thể bị bệnh dại và tử vong.
Bác sĩ Mai Xuân Thông, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết: “Chó cắn rất nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi bị chó cắn, cần thực hiện ngay các giải pháp ngăn ngừa bệnh dại. Trước tiên là dùng xà phòng rửa sạch vết thương và đưa vết thương dưới vòi xả nước khoảng vài phút, nhằm ngăn chặn không cho virus di chuyển vào cơ thể. Không dùng tay nặn hay bóp vết thương, bởi làm như vậy virus sẽ vào cơ thể nhanh hơn.
Sau khi sát trùng vết thương bằng thuốc đỏ hay Povidine, cần tức tốc đến bệnh viện để tiêm thuốc ngừa. Một số người dùng các phương pháp dân gian như đắp đậu xanh, ớt, hay cây cỏ. Thật ra chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh việc đắp vết thương như vậy là đúng. Nếu chó cắn thì nhất thiết phải đến ngay bệnh viện để tiêm ngừa. Nếu để lên cơn dại thì “bó tay”. Hiện nay, bệnh dại chỉ có thể phòng ngừa và không chữa được”.