Tiềm ẩn nguy cơ
TPHCM, Bình Dương hiện đang trong thời điểm bước vào mùa hanh khô, nắng nóng, là mùa thường xảy ra hỏa hoạn, nhất là trong các cơ sở may mặc, giày da, đặc biệt là ngành gỗ. Tại nhiều địa phương, chính quyền và lực lượng PCCC đã triển khai các giải pháp phòng ngừa cháy nổ, tuy nhiên nguy cơ cháy vẫn đang gia tăng do một bộ phận lớn người dân, chủ cơ sở chưa có ý thức thực hiện tốt các quy định về PCCC.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (PC07) Công an tỉnh Bình Dương, với đặc thù ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ thường thải ra nhiều dăm bào, gỗ dư thừa, đặc biệt là mùn cưa bám nhiều trong xưởng sản xuất, nếu không vệ sinh nhà xưởng thường xuyên thì nguy cơ gây hỏa hoạn là rất cao. Đa số các nhà máy chế biến gỗ đều có dây chuyền sản xuất lạc hậu, thiết bị thường xuyên bị trục trặc; hệ thống dây điện bị lão hóa nhưng không thay thế, bảo dưỡng, thậm chí còn câu mắc điện nội bộ chằng chéo hết sức nguy hiểm; việc sắp xếp hàng hóa không khoa học, khi có sự cố cháy nổ thường khó xử trí kịp thời.
Điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 22-1, ngọn lửa bùng phát sau tiếng nổ lớn ở bên trong kho sơn của Công ty TNHH Kỹ nghệ Wanek (trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ), sau đó bao trùm toàn bộ nhà xưởng và đốt cháy 2.000m2 kho hàng cùng các tài sản có giá trị. Trước đó 2 ngày, cũng đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại xưởng gỗ trên quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TPHCM) thiêu rụi hoàn toàn nhà xưởng trong chốc lát. Đây là 2 trong số hàng loạt vụ cháy xưởng gỗ xảy ra trong thời gian gần đây.
Chỉ tính riêng tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 vụ cháy, trong đó 50% là cháy xưởng gỗ, thiệt hại ước tính gần 20 tỷ đồng.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Theo cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn thời gian qua là công tác phòng ngừa chưa hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các yêu cầu về PCCC tại chỗ. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã triển khai chuyên đề PCCC đối với các cơ sở nằm trong khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm cháy, nổ cao nằm trong khu dân cư. Trong 2 tháng qua, PC07 Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra an toàn PCCC đối với 1.125 cơ sở, hướng dẫn cơ sở khắc phục kịp thời các biện pháp an toàn PCCC và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 154 trường hợp (hơn 1,5 tỷ đồng); kịp thời cứu chữa 6 vụ cháy xảy ra, tài sản cứu được ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 89 cơ sở, thực tập 81 phương án chữa cháy tại cơ sở, hướng dẫn tổ chức thực tập 90 phương án chữa cháy, thoát nạn tại DN.
Một lãnh đạo Phòng PC07 Công an tỉnh Bình Dương thừa nhận, thời gian qua, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp chưa chặt chẽ, nên chưa buộc được các DN tuân thủ nghiêm quy định PCCC. Trong khi lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm tra tối đa 4 lần/năm đối với DN lớn và 1 lần/năm đối với cơ sở nhỏ, dẫn đến tình trạng khi DN xây dựng sai so với thiết kế ban đầu, có thay đổi về phương án PCCC, đến khi xảy ra sự cố mới nhận ra thì đã trễ.