Hết thời nước mắt và khuyến mãi

Liên tiếp các lùm xùm liên quan đến minh bạch từ thiện, quảng cáo sản phẩm từ người có nhiều lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội làm không ít người sử dụng mạng xã hội giật mình nhận ra, số lượt theo dõi cao không đồng nghĩa với đáng tin. Những màn “tẩy trắng” sau đó cũng vì thế đang dần mất đi hiệu quả...

Công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng số thu hút sự quan tâm và định hướng nghề nghiệp với nhiều bạn trẻ. Ảnh: ALPHA X
Công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng số thu hút sự quan tâm và định hướng nghề nghiệp với nhiều bạn trẻ. Ảnh: ALPHA X

Chiêu trò khỏa lấp

Trên các nền tảng số đang thịnh hành, những tài khoản có lượt theo dõi hàng đầu như: DrSon1991 (16 triệu lượt theo dõi trên Instagram), Ben Eagle (27,2 triệu lượt theo dõi trên YouTube), Trà Đặng (21,2 triệu lượt theo dõi trên TikTok)… phản ánh rõ một thực tế, định nghĩa người nổi tiếng đã hoàn toàn đảo chiều, bất kỳ ai cũng có thể nổi tiếng trong “thế giới phẳng” chứ không chỉ riêng giới văn nghệ sĩ.

Từ việc sở hữu lượt theo dõi “khủng” trên nền tảng trực tuyến, một xu hướng nghề nghiệp mới bắt đầu thịnh hành với thế hệ 9X và gen Z - trở thành người sáng tạo nội dung số. Hoa hồng từ việc bán hàng thông qua các phiên livestream (phát trực tiếp), tiếp thị liên kết (affiliate marketing), quảng cáo sản phẩm… mang lại thu nhập “khủng” cho một bộ phận nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, để có thể giữ được lượt theo dõi và lượt thích từ người dùng khi các nền tảng số dung nạp hàng triệu nội dung mỗi ngày, không ít người đã bất chấp làm các nội dung phản cảm. Đó là các phiên livestream bán hàng với lời quảng cáo “thần thánh hóa” công dụng sản phẩm, điển hình như vụ kẹo rau Kera vừa qua.

Để khỏa lấp các lỗi lầm của mình, người nổi tiếng trên mạng xã hội thường có một công thức chung: tổ chức họp báo, mở màn bằng nước mắt và xin lỗi, nếu bị phạt thì cũng nhanh chóng thực hiện, công khai biên bản. Nhiều chuyên gia truyền thông nhìn nhận, chiêu bài này trước đây khá hiệu quả, đủ sức để “tẩy trắng” những sai lầm. Lý do là khi đó mạng xã hội chưa thực sự phổ biến, người nổi tiếng vẫn là một điều gì đó gây tò mò với công chúng, họ dám công khai họp báo nhận lỗi, điều này đủ sức để tha thứ.

“Nhưng người dùng mạng xã hội hiện nay đã quá ngán với chiêu bài có chuyện là họp báo và khóc xin lỗi. Điển hình như việc họp báo liên quan đến quảng cáo quá lố kẹo rau Kera đã đẩy sự việc càng đi xa. Hay trước đó là một nữ diễn viên họp báo về tin đồn tình cảm lại càng khiến khán giả tẩy chay mạnh mẽ hơn”, chị H.K.V. (Giám đốc truyền thông K.H.Media) chia sẻ.

Vị thế người dùng

Khác với giai đoạn đầu, người dùng mạng xã hội từ tò mò đến giải trí, ít khi chú ý về những lượt thích, lượt xem nên vô tình đã đẩy những nội dung không hay lên “top thịnh hành”. Hiện nay, các nền tảng số trở thành nơi để người dùng bày tỏ ý kiến, thậm chí tạo sức ép. Điển hình như vụ một cuộc thi hoa hậu quốc tế có người đẹp Việt Nam tham dự đã trình chiếu hình bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp. Trước áp lực của khán giả Việt, ban tổ chức đã phải đăng tải thư xin lỗi khán giả.

Nếu nhìn mạng xã hội ở góc độ như một xã hội thu nhỏ trên mạng, thì có thể thấy sau thời gian vận hành, những biểu hiện chưa tốt dần được khắc phục bởi “bộ lọc cá nhân” của người dùng ngày càng cao, có những chuẩn mực rõ ràng. Có thể lấy ví dụ như sự việc của thương hiệu thời trang quốc tế H. cách nay 5 năm. Khi ra mắt ở Việt Nam, thương hiệu H. đã sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp. Khi bị phát hiện, thương hiệu này không đưa ra lời xin lỗi mà chỉ âm thầm xóa nội dung trang web, sau đó tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn và người tiêu dùng dần quên đi các sai sót. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia truyền thông và thị trường, hiện tại, câu chuyện đã rất khác, người tiêu dùng bây giờ đã hiểu rõ sức mạnh, trách nhiệm của mình và không còn chỗ cho những chiêu trò như vậy. Điển hình như sự kiện hãng trà sữa C. chuẩn bị mở cửa hàng ở Việt Nam nhưng bị phát hiện dùng bản đồ có nội dung xuyên tạc trên app và website. Dù đã rút lại toàn bộ kế hoạch khai trương, tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn, nhưng hiệu quả rất mờ nhạt khi khách hàng Việt Nam thể hiện rõ sự thờ ơ, xem nhẹ.

Có thể thấy, truyền thông đã trở thành yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, lượt theo dõi, lượt thích có thể đưa bạn trở thành “chiến thần” trên nền tảng số, nhưng quyết định vẫn ở người dùng. Khi ai cũng có một “bộ lọc cá nhân” chuẩn mực, thì nội dung xấu, quảng cáo lố, hay vòng lặp: họp báo - khóc lóc - xin lỗi, những thủ thuật khuyến mãi… sẽ không thể tồn tại.

Tin cùng chuyên mục