Hết thời nghệ sĩ vô tư... quảng cáo sai

Bộ VH-TT-DL vừa bổ sung điều luật cụ thể về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Việc bổ sung này được kỳ vọng chấm dứt tình trạng nghệ sĩ quảng cáo quá lố, sai sự thật, gây dư luận xấu thời gian qua.

Nghệ sĩ quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: NGỌC LINH
Nghệ sĩ quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: NGỌC LINH

Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo sai

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VH-TT-DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên…

Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định như: phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo; nếu đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm… Đây là những nội dung hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.

Về mặt truyền thông, việc lựa chọn người nổi tiếng để giới thiệu sản phẩm là điều hết sức phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, bởi họ có nhiều người hâm mộ, dễ dàng đưa sản phẩm đến gần hơn với người dùng. Tuy nhiên, cũng chính vì tin tưởng người nổi tiếng mà người tiêu dùng dễ bị dẫn dụ mua sản phẩm kém chất lượng nếu người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo sai sự thật.

Nhắc đến nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, có lẽ MC Cát Tường là một cái tên trong số đó. Thậm chí, cuối 2023, Cát Tường đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi về hành vi của mình và mong muốn khán giả tha lỗi cho những sai lầm này. Cô khẳng định, đây là bài học “nhớ đời” để cô cẩn trọng hơn trong việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng, người tiêu dùng. Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, diễn viên Vân Trang, Nam Thư, Diệu Nhi, ca sĩ Phương Mỹ Chi… cũng đã phải lên tiếng đính chính, xin lỗi khán giả về việc quảng cáo sai sự thật.

Có thể nói, với nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu, thu nhập phần lớn không đến từ các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn mà từ cát-xê quảng cáo. Anh D.T. (Hà Nội), nhân viên của một công ty quảng cáo lớn, cho biết, để có một buổi quay livestream (phát sóng trực tiếp) kéo dài khoảng 2 tiếng giới thiệu về sản phẩm, công ty cần trả cho nghệ sĩ từ 50-80 triệu đồng. Giá tiền này mới chỉ tính riêng trong buổi ghi hình buổi phát sóng trực tiếp. Nếu muốn sử dụng hình ảnh, video clip của nghệ sĩ đó, công ty cần trả thêm phí dao động từ

10-20 triệu đồng/tháng. Đây là mức thù lao dành cho những diễn viên truyền hình có độ nhận diện cao, thường xuất hiện trong phim khung giờ vàng của đài truyền hình quốc gia…

CN3 tieu diem.jpg
Hàng loạt nghệ sĩ phải công khai xin lỗi khán giả khi bị phát hiện quảng cáo sai

Bịt “lỗ hổng” cơ chế

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, cho biết, một thực tế là hiện nay chưa có quy định nào xử lý người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Khi bị phát hiện, có người nhanh chóng xin lỗi, gỡ bỏ các hoạt động quảng cáo, nhưng cũng có người khác lại chọn làm ngơ, để dư luận lắng xuống rồi lại tham gia quảng cáo khác như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

“Việc thiếu các quy định về hoạt động quảng cáo của người có sức ảnh hưởng trong xã hội là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng đôi khi không xử phạt được hành vi vi phạm. Chính vì vậy, những nội dung mới tập trung sẽ bịt các “lỗ hổng” này, góp phần dẫn dắt hoạt động quảng cáo phát triển đúng đắn”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, điều khiến ông lo lắng là quá trình thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo khá phức tạp. Cần có những định nghĩa rõ ràng, cụ thể về các tiêu chuẩn và quy định. Có như vậy mới có thể xác định cái gì là sai sự thật, không lành mạnh… Điều này cần phải được thống nhất và minh bạch để tránh gây hiểu lầm và tranh cãi.

Một số chuyên gia cũng đề xuất sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp và độc lập. Hệ thống kiểm tra, giám sát này cần hoạt động dưới cơ chế khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng, nhanh chóng. Ngoài ra, cần cung cấp, hướng dẫn và tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về các tiêu chuẩn và quy trình thẩm định để giúp tăng cường hiểu biết và tuân thủ từ phía người tham gia.

Nghệ sĩ cần cẩn trọng khi nhận quảng cáo

Thực tế, nếu đủ tỉnh táo, nghệ sĩ không khó phân biệt chất lượng sản phẩm định quảng cáo. NSND Quốc Anh cho biết, ông nhận được nhiều lời mời quảng cáo sản phẩm nhưng không dám nhận bởi “không thể xác minh nguồn gốc và lợi ích của sản phẩm”. Nhiều nghệ sĩ cũng đồng quan điểm này. NSƯT Lô Ngọc Thúy, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2023, cho rằng, nghệ sĩ cần phải cẩn trọng khi nhận các sản phẩm quảng cáo. “Công chúng yêu mến mình mới chọn sử dụng các sản phẩm mà mình giới thiệu. Chính vì vậy, dù biết nhận quảng cáo là để có thêm thu nhập nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là đảm bảo lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng. Đó cũng không chỉ là trách nhiệm công dân mà còn là lương tâm của người nghệ sĩ”, nghệ sĩ xiếc Ngọc Thúy nêu.

Tin cùng chuyên mục