Tiểu ban truyền thông của Ban tổ chức SEA Games 31 vừa đề xuất Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) làm đơn vị truyền hình chính thức.
Theo đó, VTV sẽ trực tiếp sản xuất, phát sóng trên các nền tảng của mình, đồng thời cũng sẽ là một bên giữ bản quyền cùng với Ban tổ chức và Ủy ban Olympic Việt Nam. Dự kiến, bản quyền truyền hình SEA Games 31 vẫn miễn phí như các đại hội trước đây và đài truyền hình các quốc gia tham dự chỉ phải đóng một khoản phí mua chỗ tác nghiệp ở trung tâm truyền hình (IBC).
Với mục đích có tính bao quát cả yếu tố cộng đồng, giao lưu văn hóa các nước khu vực Đông Nam Á, thì việc miễn phí bản quyền truyền hình SEA Games là có thể hiểu được. Song, cách làm miễn phí bản quyền SEA Games như thời gian qua không hẳn đã hay, bởi ít nhiều làm suy giảm giá trị của sự kiện thể thao khu vực.
Đầu tiên, chính vì miễn phí, nên số lượng môn được ghi hình và phát trực tiếp sẽ ít đi do phải cân đối dựa trên một nguồn kinh phí hạn chế tùy theo qui mô của từng đại hội. Ở SEA Games 30 (năm 2019), nước chủ nhà Philippines chỉ trực tiếp 15 trong tổng số đến 56 môn thi đấu. Do miễn phí, nên chẳng ai có thể phàn nàn. Các quốc gia tham dự tùy vào nhu cầu người xem phải tổ chức đưa máy móc, nhân lực sang để thực hiện trực tiếp các môn nằm ngoài khung của chủ nhà. Như vậy, tưởng miễn phí là ít tốn kém, nhưng lại còn vất vả hơn.
Kế tiếp, việc miễn phí bản quyền tác động rất lớn đến nguồn thu của SEA Games, về lý thuyết là lớn nhất của một sự kiện thể thao. Ở những sự kiện thể thao hàng đầu thế giới, nếu muốn nâng cao chất lượng thi đấu thì nhất định phải bán được bản quyền truyền hình; còn SEA Games thì ngược lại. Lấy ví dụ môn bóng đá nam, dù thi đấu kéo dài, được truyền hình trực tiếp đầy đủ, nhưng cũng chỉ là một bộ huy chương, không mang tính quyết định đến thành tích toàn đoàn. Nhưng bóng đá có sức hút lớn, nếu bán bản quyền sẽ có doanh thu cao. Khi đó, nguồn thu này có thể chia cho các đội bóng tham gia, từ đó họ sẽ buộc phải cử cầu thủ tốt nhất tham dự trước sức ép từ chính những đơn vị mua bản quyền tại quốc gia họ.
“Gánh nặng” tổ chức SEA Games đang là một khái niệm được nhắc nhiều thời gian gần đây trong cộng đồng thể thao khu vực. Ý nghĩa quảng bá văn hóa, du lịch mỗi lần đăng cai đại hội hiện không còn thiết yếu do sự dễ dàng dịch chuyển giữa các quốc gia Đông Nam Á hiện nay, trong khi đó, việc mở rộng các môn thi đấu thì vẫn là nhu cầu, khiến cho quy mô tổ chức của SEA Games vẫn phình to nhưng nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ thì ngày càng giảm. Bản quyền truyền hình, nếu bán được ở một vài môn thể thao hấp dẫn, độ phổ biến và có đẳng cấp thế giới, thì ít hay nhiều cũng sẽ tạo động lực cho SEA Games.
ĐĂNG LINH