Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong kỳ họp thứ 7, với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp để chỉ đạo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
“Các nội dung còn có ý kiến khác nhau đều được xem xét, phân tích kỹ để tiếp thu, giải trình, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; vì vậy, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao, trong đó có 2 luật và 1 nghị quyết được 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo dự thảo báo cáo nêu trên, công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
“Mặc dù điều chỉnh chương trình đến 5 lần, do phát sinh nhiều vấn đề đột xuất, nhưng Quốc hội đã quyết định nhanh chóng nhiều vấn đề rất quan trọng với tỷ lệ tán thành cao; thông qua một số lượng văn bản luật kỷ lục”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét về nội dung này.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, công tác chuẩn bị hồ sơ tài liệu tại kỳ họp thứ 7 có nhiều tiến bộ, chặt chẽ, kịp thời hơn. Công tác nhân sự được tiến hành bài bản, thận trọng, đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: có nội dung “chín ép”, tuy chưa phải rất cấp bách, Chính phủ lại chuẩn bị chậm, làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của Quốc hội. “Sự phối hợp giữa các cơ quan vẫn là khâu yếu”, ông Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, ông Bùi Văn Cường đề xuất, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc 24 ngày. Kỳ họp khai mạc vào thứ Hai, ngày 21-10-2024; bế mạc vào thứ Năm, ngày 28-11-2024; dự phòng ngày 29-11-2024; bố trí thành 2 đợt họp. Đợt 1 từ ngày 21-10 đến ngày 8-11-2024); chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 dự kiến kéo dài 9 ngày, từ ngày 18 đến ngày 28-11-2024; chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Trường hợp có các dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành kỳ họp sẽ tăng thêm từ 1 đến 2 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30-11-2024.