Hết mình cho những điều ý nghĩa nhất…

Hơn 1 năm rời Việt Nam, cách trở hàng ngàn kilômét và dịch bệnh nên thời điểm đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Trung úy Bạch Huyền Trang (31 tuổi) - nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan - cảm thấy trong đời chưa bao giờ hồi hộp đến thế. 

Quê ở Hà Nội nên khuya 30-4, đón chị chỉ có thủ trưởng đơn vị và đồng đội.

Trung úy Bạch Huyền Trang cùng các em nhỏ Nam Sudan
1. Chiều 1-5, ở sân bay Nội Bài, nhìn xa xa thấy con gái Đỗ Bạch Quỳnh Anh (6 tuổi) nắm tay bố đến đón mẹ, nước mắt chị Huyền Trang tuôn trào. Đối với chị Huyền Trang, 13 tháng qua là khoảng thời gian thử thách cho cả hai vợ chồng. Ở nhà, chồng chị phải chăm sóc cho 2 con gái và luôn động viên vợ làm tốt công tác. Ôm các con trong vòng tay, Trung úy Huyền Trang nhớ lại những ngày ở Nam Sudan, nơi nội chiến vẫn còn liên miên, khí hậu khắc nghiệt với những đứa trẻ đen nhẻm, nhỏ thó. 

Chị kể, ngày còn bên đó, thỉnh thoảng mới được đi ra bên ngoài vì an ninh bất ổn. Trong những lần đó, nhìn các bé, Huyền Trang lại nhớ con mình ở nhà: “Con tôi không thiếu thốn gì, còn các bé ở đây cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc… Các em không có lớp học, phải ngồi ngoài trời để học, tập viết chữ. Mình ước gì mang được nhiều đồ hơn để cho các em. Những trò chơi dân gian của Việt Nam được chúng tôi hướng dẫn các em như kéo co, nhảy dây, bịt mắt bắt dê… Tôi nhớ hoài nụ cười vui vẻ, cảm giác phấn khích của các em, những đứa trẻ chưa được chơi những trò chơi đó bao giờ. Tôi và đồng đội mong có thể truyền tải những giá trị đặc biệt về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè khắp thế giới”.

Trung úy Huyền Trang chia sẻ, trước khi lên đường đã được truyền đạt nhiều kinh nghiệm từ các anh chị đi trước nhưng khi tới nơi, cô nhận ra rằng thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Môi trường khắc nghiệt, mỗi người phải tập thích nghi dần bằng cách sử dụng hiệu quả thời gian vào sáng sớm và chiều muộn. Và mọi người đều thầm mong, phải giúp được nhiều hơn mảnh đất khắc nghiệt này…

Bộ phận chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3
2. “Gần khuya, cơ trưởng máy bay thông báo đã đến sân bay Tân Sơn Nhất, cảm giác thật nôn nao lạ kỳ”, nhìn qua ô cửa kính nhỏ trên máy bay, Thiếu úy chuyên nghiệp Lê Na - KTV chẩn đoán hình ảnh tại BVDC 2.3 - hồi hộp khi nhìn thấy thành phố từ trên cao. “Chúng em được mọi người đón chào rất đông, có cấp trên, người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Cuối cùng đã được trở về nhà mà lại là ngày 30-4, một ngày vui của đất nước…”, cô gái 26 tuổi, thành viên trẻ tuổi nhất trong số các cán bộ chiến sĩ tham gia BVDC 2.3, xúc động nhớ lại.


Nắng, gió, bụi, mưa, côn trùng, rắn rết, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, chưa kể đến đợt lũ lụt lịch sử lớn nhất trong vòng 60 năm qua và dịch Covid-19 ở nước bạn gây ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống của mọi người. Lê Na kể: “Được sinh ra ở một đất nước hòa bình, được đi học, được tạo nhiều điều kiện phát triển nên khi ở nơi này, chứng kiến thực tế cuộc sống khắc nghiệt mới thấy thương người dân, nhất là những đứa trẻ kém may mắn. Làm sao quên được lần chạy lũ cùng người dân, nhà cửa ngập sâu trong nước và hình ảnh về một vùng quê nghèo đói, những đứa trẻ gầy rộc”.

Lê Na cho biết, cô không nghĩ chuyến công tác dài này mình phải hy sinh điều gì cả mà trái lại cô nhận ra mình nhận được quá nhiều thứ: được phục vụ quân đội, được làm đúng chuyên môn, được cống hiến hết mình cho những điều thực sự ý nghĩa…

3. Trở về từ Nam Sudan sau gần 20 giờ qua 3 chặng bay nối tuyến trực thăng và vận tải quân sự C17 của Bộ Quốc phòng Australia, 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia BVDC 2.3 đã có một chuyến về nhà bình an.

Ngay khi vừa về tới Nhà công vụ số 1, Bệnh viện Quân y 175, Trung tá, bác sĩ Lê Thanh Sơn, Chủ nhiệm Khoa Dược trang bị, BVDC 2.3 quay sang giới thiệu: “Đây là điều dưỡng viên, trung úy Nguyễn Thị Thùy Linh vừa về sau hơn 1 năm đi làm nhiệm vụ”.

Với Trung úy Nguyễn Thị Thùy Linh, có lẽ cô sẽ nhớ mãi lời chào thân thiết “Hello Việt Nam” của người dân địa phương. Cô kể: “Có bệnh nhân sau khi ra viện về làng khoe với mọi người là chưa từng được nằm ở bệnh viện nào tốt như vậy. Sau đó người dân trong làng mang bò, dê đến tặng bệnh viện. Hay có một anh tên dài lắm, chỉ nhớ tiếng đầu là Kualo, còn chụp hình với anh chị em trong khoa, rồi về in ra, gắn lá cờ Việt Nam đem đi dán ở các cửa hàng, siêu thị, nơi đông người để giới thiệu “Hello Việt Nam”. Đi dâu anh Kualo cũng kêu gọi người dân trong vùng đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện của bộ đội Việt Nam, ủng hộ bộ đội Việt Nam…”.

Trung tá Lê Thanh Sơn cho biết, lần công tác này đúng vào đợt cao điểm dịch Covid-19 tại Nam Sudan và châu Phi nên nhiệm vụ của đơn vị càng thêm nặng nề. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, có người còn đi vận động quyên góp vải về cắt may hàng ngàn khẩu trang tặng người dân. Cùng với những chiếc bánh chưng, bánh giò, viên thuốc, bó rau xanh, khẩu trang, lời ca, tiếng hát và hơn cả là tấm lòng của người lính Việt đã lan tỏa văn hóa và tình yêu Việt Nam đến mảnh đất Nam Sudan xa xôi…

Tin cùng chuyên mục