Không có xe thì thuê
Dù đã có giấy điều xe từ chiều hôm trước, nhưng đã đến gần 8 giờ mà xe của Phòng Hậu cần Công an TPHCM vẫn chưa có mặt tại trụ sở PC64. Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội cấp - quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác, nóng lòng gọi điện thoại nhắc.
Đầu dây bên kia cho biết xe đưa đoàn đi công tác bị hư dọc đường, phải cẩu về xưởng để sửa chữa, Phòng Hậu cần đang điều xe khác qua. Trung tá Long liền điện thoại về Công an quận 3 và cho biết: “Đây là quận cuối cùng mà chúng tôi tổ chức thực hiện thủ tục cấp CCCD tại nhà cho các mẹ Việt Nam anh hùng. Lịch làm việc là 7 giờ 30, nhưng bây giờ chưa có xe. Gần một giờ đồng hồ trôi qua, xe vẫn chưa đến, trung tá Long yêu cầu anh em gọi taxi để đi cho kịp giờ đến nhà các mẹ.
Chụp ảnh, thực hiện thủ tục cấp CCCD cho mẹ Nguyễn Thị Cang ngay tại nhà
Theo đúng kế hoạch của Thường vụ Đảng ủy - Ban giám đốc Công an TPHCM, từ giữa tháng 5-2018 đến cuối tháng 7-2018, Công an TP tổ chức đến nhà cấp CCCD cho các mẹ Việt Nam anh hùng. Trên cơ sở danh sách do Sở LĐTB-XH TPHCM cung cấp, PC64 rà soát dữ liệu và tàng thư 264 mẹ Việt Nam anh hùng.
Thượng tá Lê Duy Bình, Phó trưởng phòng PC64, cho biết: “Trong đợt thực hiện cấp CCCD cho các mẹ Việt Nam anh hùng đã có một số trở ngại. Đó là trường hợp 4 mẹ đang sống ở huyện Củ Chi có tuổi đời hơn 100, trong khi hệ thống dữ liệu được cài đặt số tuổi từ 100 trở xuống. Do vậy, chúng tôi không thể nhập dữ liệu cho các mẹ. Tuy nhiên, qua trao đổi với cơ quan cấp trên, các trường hợp đó, chúng tôi đã khai báo thủ công. Các mẹ sẽ có CCCD trong vài ngày tới”.
Nhà mới, giấy tờ mới
Xe chưa dừng hẳn, chị phụ nữ đã ra vẫy vẫy tay chào. Căn nhà khang trang ở ngay đầu hẻm 549 đường Hoàng Sa (phường 7, quận 3) là nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cang, 90 tuổi. Chúng tôi khá vui khi được biết mẹ Cang vừa được chuyển về căn nhà tình nghĩa này vào chiều qua.
Trước đó, mẹ Cang sống với người cháu ở một căn hộ tại lầu 2 chung cư Trần Văn Đang, việc đi lại để khám chữa bệnh lúc đó của mẹ khá khó khăn.
Trong lúc cán bộ, chiến sĩ PC64 khởi động máy tính xách tay, máy lấy vân tay…, đại úy Lưu Thị Kim Cương, cán bộ Công an quận 3, đỡ mẹ Cang dậy và dùng khăn ướt lau mặt, tay chân rồi chải đầu cho mẹ Cang. Xong việc, đại úy Cương quỳ sau lưng mẹ Cang căng tấm vải trắng làm nền để anh em chụp ảnh.
Nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đợi (93 tuổi) nằm trong hẻm 219 Trần Văn Đang. Khi chúng tôi định đỡ mẹ Đợi ngồi dậy, anh Liêm (cháu mẹ Đợi) khoát tay cho biết: “Mẹ Đợi tự ngồi dậy được và bà rất vui vì xem đó như bài tập thể dục, thể hiện sức khỏe khi có con cháu đến thăm”.
Dù tuổi cao, nhưng mẹ Đợi còn khá minh mẫn, hỏi tên tuổi từng người trong đoàn công tác và vui mừng nói: “Mấy đứa tới làm căn cước cho bà hả? Vậy là vui lắm. Từ nay bà có giấy tờ để đi khám bệnh rồi”.
Theo lời anh Liêm, cách đây mấy năm, khi đưa mẹ Đợi đi cấp cứu, bệnh viện yêu cầu xuất trình giấy CMND. Tuy nhiên, do giấy CMND của mẹ Đợi làm từ năm 1978, đã hết hạn nên bệnh viện chần chừ. May là gia đình có mang theo giấy chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng nên bệnh viện đã tiếp nhận giải quyết.
Nhìn mẹ vui vẻ, hoạt bát như vậy, nhưng chúng tôi se sắt lòng khi biết ngày xưa mẹ đã từng trải qua một quãng thời gian dài cơ cực trong chốn lao tù. Chồng và người con trai duy nhất đều hy sinh trong kháng chiến, mẹ ở nhà vẫn không yên. Bọn địch đã bắt giam và tra khảo, nhục hình người phụ nữ yếu đuối, nhỏ nhoi. Hơn 60 tháng cắn răng, chịu đòn roi, tra tấn, nhưng mẹ vẫn dũng cảm, kiên trung, một lòng một dạ với Đảng, với đất nước. Hậu quả của tháng ngày ở trong ngục tù đã khiến 2 chân của mẹ co quắp và chứng bệnh run tay, chân hành hạ. Ở cái tuổi gần đất, xa trời, với phẩm chất của Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ không lo cho mình, khi tiễn chúng tôi về, mẹ còn nói với theo: “Các con nhớ giữ gìn sức khỏe nha! Có sức khỏe mới phục vụ tốt cho nhân dân”.