Tháng 10 vừa rồi, bệnh nhân L.T.N.T. (38 tuổi, quê Đồng Xoài, Bình Phước) nhập viện vào Khoa Ngoại lồng ngực 1 BV Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán u phổi trái, có chỉ định phẫu thuật. Chị N.T. có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải vay mượn tiền của bà con lối xóm để điều trị. Chồng chị lại bị tai nạn lao động, chấn thương phần đầu phải phẫu thuật cách đây 2 năm nên khả năng lao động rất yếu, không có công việc ổn định. Đứa con lớn bị bệnh tim đang điều trị tại Viện Tim TP.
Bản thân chị N.T. là công nhân của một công ty giày da, thu nhập bấp bênh. Từ ngày nhập viện, gánh nặng học phí cùng nhiều nỗi lo toan ập xuống cả gia đình chị. Biết được hoàn cảnh chị N.T., Phòng Công tác xã hội BV Phạm Ngọc Thạch đã thăm hỏi và kịp thời hỗ trợ 10 triệu đồng.
Giữa tháng 7-2019, tại quận 10, công an phát hiện một người bị suy kiệt, ngất xỉu ngoài đường đã đưa vào BV Phạm Ngọc Thạch với các chẩn đoán theo dõi lao phổi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển qua nằm tại Khoa B3 từ ngày 12-7 đến 18-7 với chẩn đoán lao kháng não. Đây là bệnh nhân vô gia cư, chỉ nhớ tuổi, không nhớ tên.
Các y bác sĩ tại BV đã tận tình chăm lo cho bệnh nhân chi phí điều trị nội trú, ăn uống. Ông N.M.H. (51 tuổi) cũng là một bệnh nhân vô gia cư, không có thân nhân. Ông bị ho sốt kéo dài, khó thở tăng dần, ăn uống kém, sụt cân và nhập viện trong tình trạng không khả năng chi trả viện phí. Ông được BV hỗ trợ chi phí điều trị nội trú, lo ăn uống đầy đủ. Còn ông N.V.T. (60 tuổi) bị viêm phổi, lao phổi đa kháng, dạ dày sốc nhiễm trùng. Bệnh nhân vô gia cư, không thân nhân, không bảo hiểm y tế. Ông đã đóng tạm ứng được 5 triệu đồng rồi không có khả năng tiếp tục đóng tiền viện phí.
May mắn, ông được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Phòng Công tác xã hội của BV. Trường hợp ông P.C.D. (47 tuổi) sống lang thang ở quận 4, không có nơi ở cố định, cũng được hỗ trợ tương tự. Trước đây, ông P.C.D. ở mái ấm rồi ra ngoài. Hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, không tiền bạc, bị lao phổi nặng nhập viện nằm tại Khoa B2, ông hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các y bác sĩ.
Chị Bùi Nguyễn Tố Như, Trưởng phòng Công tác xã hội của BV, cho biết: “Không chỉ chăm lo cho người bệnh nghèo, BV còn kết nối với các tổ chức từ thiện khác hỗ trợ nhiều suất ăn miễn phí từ sáng sớm đến chiều tối cho thân nhân bệnh nhân, kể cả dịp lễ, tết.
Ở đây, từ chương trình “Bữa cơm trên tường”, mỗi tháng sẽ phát khoảng 800 - 900 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm cơm, thịt, rau củ quả, đậu và được kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Thật ấm lòng khi chứng kiến rất nhiều tấm lòng nhân ái, mạnh thường quân đã đồng hành cùng BV trong các hoạt động chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Họ có thể chính là bệnh nhân đã từng điều trị, hoặc người nhà bệnh nhân… Chứng kiến những hoàn cảnh, nỗi đau của người bệnh, họ cũng chia sẻ ít nhiều những gì mình có. Đó là cô Hoàng Thị Kim Xuân (ngụ Phú Mỹ Hưng, quận 7), ông Lê Văn Lực (ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7), bà Thái Thị Kim Nguyệt (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú)… và rất nhiều người nữa.
“Rất mong ngày càng có nhiều hơn sự chia sẻ của cộng đồng để chúng tôi có điều kiện giúp đỡ tận tình, chu đáo hơn cho những người bệnh khốn khó”, chị Như chia sẻ.
Năm 2019, Phòng Công tác xã hội BV Phạm Ngọc Thạch đã vận động sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hàng ngày, nơi đây còn hỗ trợ các đoàn từ thiện tặng tiền, quà giúp bệnh nhân; trợ giúp các y bác sĩ giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm; vận động cộng đồng giúp đỡ các suất cơm, cháo và kinh phí điều trị cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đơn vị này còn đảm trách việc hướng dẫn khám chữa bệnh, tư vấn cho hàng ngàn lượt bệnh nhân về bảo hiểm y tế. |